Thứ Sáu, 17/06/2016 10:53:49 (GMT+7)

Cải cách thể chế hỗ trợ doanh nghiệp

Tại Hội thảo vừa diễn ra ngày 16/6 tại TPHCM, các chuyên gia cho rằng muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển, trước hết phải loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ “cố tình” không hiểu quy định, có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, “làm rầu nồi canh”.

Cải cách thể chế hỗ trợ doanh nghiệp

Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035 phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế”. Ảnh: VGP/Phan Hoàng

Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035 phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức; có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu cả nước và đông đảo doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn TPHCM.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp tại hội thảo, hiện nay, trong khi Trung ương ban hành hàng loạt chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động thì ở một số địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ lấy cớ “chưa nắm được”, hoặc “chưa được hướng dẫn” để buộc doanh nghiệp thực hiện những yêu cầu không hợp lý.

Có doanh nghiệp lại phản ánh mới xin giấy phép mở thêm chi nhánh ở một tỉnh miền Trung và bị yêu cầu có hợp đồng thuê mặt bằng mới được đáp ứng. Khi doanh nghiệp thắc mắc tại sao Luật không quy định loại giấy này, cán bộ địa phương lý giải là do trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp bỏ trốn nên phải… linh động.

Vì không muốn mất thêm thời gian và chi phí, doanh nghiệp chấp nhận bổ sung bản hợp đồng thuê văn phòng nhưng tiếp tục bị trả về bởi hợp đồng… ngắn hạn.

Một doanh nghiệp khác lại cho hay, cách đây không lâu có tiến hành thủ tục xin phép thành lập chi nhánh cũng ở một tỉnh miền Trung. Đến cơ quan chức năng địa phương, họ đòi phải có biên bản họp cổ đông mới được cấp phép. Khi doanh nghiệp phản ứng là Luật đã bỏ quy định này thì được cán bộ lấy cho xem một bộ “thủ tục” của tỉnh ban hành, trong đó có yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục vừa nêu.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp cũng nói nhiều về những bất cập trong lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh hiện hành. Một doanh nghiệp kinh doanh đồ trang sức cho hay vừa bị Quản lý Thị trường xử phạt vì không đủ điều kiện hoạt động do không có cân trong khi Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định: “Cửa hàng kinh doanh đồ nữ trang không phải dùng cân vì bán đồ theo món trang sức”.

Dù bức xúc nhưng doanh nghiệp vẫn miễn cưỡng nộp phạt để tránh ảnh hưởng đến làm ăn về sau.

Chia sẻ với doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao nhận định hiện nay, vấn đề doanh nghiệp đặc biệt lo lắng không phải là thiếu vốn mà họ lo không biết lúc nào sẽ bị xử phạt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp nhỏ không muốn lớn.

Bà Vũ Kim Hạnh dẫn lại một trường hợp doanh nghiệp trên đường Kinh Dương Vương (quận Tân Phú, TPHCM). Tuyến đường này vừa được Thành phố nâng cao hơn nhà dân đến 1,5 mét khiến nước tràn vào cơ sở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đáng nói là trong khi doanh nghiệp còn đang loay hoay không biết phải kiến nghị với đơn vị nào thì nhận được thông báo xử phạt vì… gây ô nhiễm.

“Từ đối tượng chịu thiệt hại cần trợ giúp, doanh nghiệp thành đối tượng vi phạm và phải gánh thêm khoản tiền phạt gần ba trăm triệu đồng”, bà Vũ Kim Hạnh nói, đồng thời cho biết thời gian tới Hiệp hội sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, đơn vị này sẽ tăng cường thực hiện vai trò “cầu nối”, tạo sự liên kết chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân; kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; đặc biệt kiên trì kiến nghị Nhà nước bổ sung, sửa đổi các văn bản, nhất là Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành có nội dung không sát với điều kiện thực tế của doanh nghiệp…

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp khối doanh nghiệp tư nhân gỡ bỏ “rào cản”, phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hội nhập sắp tới. Nhiều chuyên gia cho rằng muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển, trước hết phải tăng cường tính thực thi của pháp luật, chấm dứt tình trạng cán bộ “cố tình” không hiểu quy định, lợi dụng cơ chế để nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Để làm được điều này, các cơ quan Nhà nước cần thay đổi nhận thức từ vai trò quản lý sang đối tượng phục vụ. Cán bộ công chức, viên chức phải được giáo dục, đào tạo để thay đổi cách tiếp xúc và làm việc với doanh nghiệp. Đội ngũ công chức tốt, thể chế tốt thì bản thân doanh nghiệp chắc chắn sẽ có điều kiện cạnh tranh công bằng và phát huy năng lực.

Theo TS. Trần Du Lịch, nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ yêu cầu “hàng tá” thủ tục đối với doanh nghiệp nhưng bộ máy vẫn luôn vận hành thông suốt bởi họ làm việc công tâm, minh bạch. Từ đó có thể thấy vấn đề cốt lõi chỉ một phần xuất phát từ thể chế, còn lại chủ yếu vẫn đến từ yếu tố “con người”.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, hiện có nhiều văn bản quan trọng như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Nghị quyết 35 của Chính phủ đã được ban hành, tạo nền tảng thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Song song với nỗ lực của Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục năng động, tập trung sản xuất, kinh doanh và nhất là phải làm ăn chân chính, không dựa vào “quan hệ”.

Dịp này, các chuyên gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Thế giới (WB) và VCCI giới thiệu một số Chương quan trọng tại “Báo cáo khát vọng Việt Nam 2035”. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.

Theo đó, để khu vực kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới, Báo cáo đề ra nhiều giải pháp như: Tăng cường các thể chế thị trường bảo đảm cạnh tranh tự do và công bằng; thực hiện cải cách kinh tế sâu rộng; phát triển các ngành dịch vụ hiện đại: tài chính, bảo hiểm, logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp…; phát triển các doanh nghiệp tư nhân năng động, sáng tạo, cạnh tranh…

Theo Phan Hoàng - VGP News