Cải cách thể chế để phát triển: Mệnh lệnh không thể chần chừ
Kinh tế Việt Nam đang đứng trước khúc ngoặt của tiến trình phát triển. Có hai con đường chờ phía trước. Một là cất cánh và phát triển bền vững. Hai là đi ngang, sa vào bẫy thu nhập trung bình…
Phía trước là ngã ba
Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển là một trong những chuyên gia của Báo cáo Việt Nam 2035, là người đang nghiên cứu mô hình phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Nhưng khi nói về vấn đề này, ông lại muốn chia sẻ mô hình và quan điểm của GS. Trần Văn Thọ, Đại học Wasada (Nhật Bản).
Trong mô hình này, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn đi ngang, đối diện với bẫy đói nghèo vào những 1980 của thế kỷ trước để đạt được thành tựu trong giai đoạn phát triển vừa qua. Nhưng thành tựu đó mới là cơ bản thoát đói nghèo nhờ sự phát triển của kinh tế thị trường giai đoạn sơ khai.
“Về đại thể, sau ba thập kỷ đổi mới, kinh tế Việt Nam đang nằm trên đường đi lên, nhưng ngã ba tới lại là hai ngã rẽ. Nếu không muốn rẽ sang nhánh đi ngang, Việt Nam cần có cải cách toàn diện để làm tiền đề cho giai đoạn phát triển bền vững”, ông Thắng nhắc lại ý kiến của GS. Thọ với sự đồng thuận.
Cải cách toàn diện theo mô hình dễ hiểu này được GS. Thọ lý giải là cơ chế chất lượng cao, gồm các cơ chế, chính sách, chiến lược khác biệt về chất và ở trình độ cao so với giai đoạn trước.
Đây không phải là lần đầu yêu cầu cao hơn trong phát triển được nhắc tới. Trong nghiên cứu về cải cách thể chế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khái niệm đẳng cấp cao hơn được dùng để nói về bản chất của thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam trong giai đoạn tới năm 2035, đó là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.
Mấu chốt nằm ở chỗ, làm sao tránh được ngã rẽ không mong muốn trong bối cảnh của Việt Nam hiện tại, mà theo ông Thắng là đang phát triển, đang chuyển đổi và đang hội nhập, “việc nào cũng đang ở trạng thái “tiến trình” với mức độ khác nhau, chưa việc nào hoàn tất”.
Tư thế “không thể chần chừ”
Nhiều chuyên gia không muốn đưa ra giải pháp cho giai đoạn 5 năm tới khi nói về bước chuyển đổi mô hình phát triển, cải cách thể chế của Việt Nam. Lý do, khó có thể làm được gì ra tấm ra món.
Dễ hiểu tâm lý này khi nhìn vào vị trí của Việt Nam trong khu vực mà các chuyên gia của Tổng cục Thống kê dày công định vị. Xét trên giác độ bình quân đầu người năm 2014, Việt Nam đang đi sau Hàn Quốc 30-35 năm, sau Malaysia 25 năm, sau Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines từ 5 đến 7 năm… Xét ở tốc độ tăng trưởng năng suất lao đông trung bình, giả sử Việt Nam và các nước trong khu vực duy trì liên tục tốc độ hiện tại, thì phải đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan…
Đặc biệt, Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam sau nhiều năm trồi sụt vẫn đang đứng dưới ASEAN 6.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM gọi đây là tình thế “không có đường lùi, không có đường khác” nếu muốn phát triển, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực.
“Cách duy nhất để tăng trưởng cao và bền vững là nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài nguyên, nâng cao năng suất lao động bằng thay đổi thể chế thiết lập hệ thống khuyến khích lạnh mạnh”, ông Cung nói khi nhắc tới chặng đường đi tới năm 2035 mà ông gọi là cải cách phiên bản 2 của nền kinh tế.
Phải nhắc lại, phiên bản 1 của cải cách kinh tế Việt Nam ghi nhận bước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường với hành trình “dò đá qua sông”. Từ Đại hội VI của Đảng năm 1986 với tư duy kế hoạch hóa tập trung theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đến Đại hội IX năm 2001, mô hình kinh tế của Việt Nam được xác định là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dù chưa đạt được thị trường đầy đủ, cách thức để cho thị trường phát triển từ phía nhà nước đã khơi dậy những động lực tăng trưởng mới. Nhưng sau 30 năm, chiếc áo thể chế đã chật, nếu không thay đổi, trở thành yếu tố kìm hãm.
Lợi thế đi sau
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vô cùng nóng ruột khi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã tụt hậu và tụt hậu xa hơn ở một số lĩnh vực.
“Đây không còn là nguy cơ nữa. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với hội nhập, tình thế đang rất cấp bách, đòi hỏi những thay đổi nhanh và mạnh”, ông Thiên cân nhắc khi cho rằng, phải tạo được sự xoay chuyển trong 5 năm tới, nếu không sẽ khó có được thay đổi toàn diện trong các năm tiếp sau.
Lợi thế của nước đi sau được ông Thiên nhận định là chìa khóa để đi nhanh hơn, tránh quãng thời gian mày mò và quan trọng là có thể tiếp cận nhanh với những cái mới nhất để đi nhanh hơn. Cái mới mà ông Thiên muốn nói đó là công nghệ và xu hướng thời đại.
Bài học thành công của nhóm NIEs Đông Á, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore khi chỉ mất khoảng 30 năm để từ đói nghèo cất cánh nhờ khai thác đúng các yếu tố này.
“Cùng là công nghệ cao, nhưng Hàn Quốc đưa công nghệ vào các ngành công nghiệp, các tập đoàn lớn còn Đài Loan lại hướng công nghệ vào nông nghiệp, công nghệ thông tin. Chìa khóa của Việt Nam bây giờ là đi sau nhưng không đi theo, không sao chép”, ông Thiên hình dung con đường đi đến năm 2035 của Việt Nam.
Tất nhiên, chặng đường này đang không bằng phẳng khi thế giới biến động phức tạp, đặc biệt có sự bùng lên của các nước đang phát triển, trong đó có hai người hàng xóm là Trung Quốc và Ấn Độ. Sự dịch chuyển của họ sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong mô hình đàn sếu bay.
“Trong sân chơi toàn cầu, Việt Nam đang cam kết theo những đẳng cấp rất cao so với thực trạng của mình. Việc bám theo các cấu trúc cao hơn cho phép nền kinh tế Việt Nam vươn lên. Nhưng điều này có nghĩa, cần cách tiếp cận về thể chế mới. Việc này phải hoàn tất trong 5 năm tới, trước mắt chính là cơ chế gắn với trách nhiệm nhiều hơn”, ông Thiên đề xuất.
Liệt kê dư địa có thể của cải cách thể chế trong 5 năm tới, chủ yếu là thay đổi năng lực định hướng, năng lực quản trị của nhà nước; xác định rõ lực lượng chủ thể của phát triển; cải thiện nguồn nhân lực và thiết kế hạ tầng có tính kết nối cao với nền kinh tế thế giới, nhưng ông Thiên nhấn mạnh, mọi việc phải được thực hiện với tư duy khác với 30 năm trước, đặt trong bối cảnh chơi cùng luật chơi của thế giới.
Mô hình thành lập Ủy ban Cải cách chuyên nghiên cứu xây dựng đề án đổi mới toàn diện thể chế kinh tế Việt Nam, chuyển nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập cũng đã được nhiều chuyên gia đề xuất.
Câu hỏi trách nhiệm
Câu hỏi mà ông Cung đã đặt ra khi ngồi bàn về Việt Nam năm 2035 rằng, nếu để lỡ bước cải cách, để nền kinh tế tụt hậu xa hơn thì trách nhiệm thuộc về ai đã được lan truyền.
Rõ ràng, 20 năm tới trong chặng đường phát triển của Việt Nam đang có vị trí đặc biệt, đó là phải giải quyết được đồng thời ba vấn đề. Đó là cải thiện vị trí nước kém phát triển, hoàn tất quá trình đổi mới và hội nhập thành công. Chỉ khi đó, Việt Nam mới không phải bàn đến lối rẽ ngang…
Ý KIẾN – NHẬN ĐỊNH:
Chuyển cải cách từ tự do hóa sang chuyên nghiệp hóa”
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Cải cách thể chế trong giai đoạn hiện tại cần có thông điệp bao trùm, đó là chuyển cải cách từ tự do hóa sang chuyên nghiệp hóa. Những thành công trong giai đoạn phát triển vừa rồi nhờ tự do hóa, nhưng cơ hội từ tự do hóa đã tận cùng, nếu không chuyên nghiệp hóa thì sẽ không thể bước lên được. Chuyên nghiệp hóa là thiết chế rõ để không ai đá sang sân của người khác.n
Nếu tư duy cũ thì không thể vẽ ra mô hình mới”
Ông Võ Đại Lược, Chuyên gia kinh tế
Muốn chuyển đổi mô hình phát triển đầu tiên phải từ đổi mới tư duy. Nếu tư duy cũ thì không thể vẽ ra mô hình mới. Việc thay đổi tư duy này không quá khó, hay đi theo thế giới, đi cùng thế giới để cùng tiến. Trong hội nhập toàn cầu, nếu thế giới nghĩ một đằng, ta nghĩ một nẻo không cùng tiến được. Trong nỗi lo tụt hậu, thì tụt hậu về tư duy là tụt hậu quan trọng nhất.
Cải cách giai đoạn tới đây vẫn phải bắt đầu từ người đứng đầu”
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương)
Xã hội hiện đại phải thể hiện đầy đủ 3 nội dung gắn kết, đó là kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
Nhìn lại, vừa qua chúng ta đã cố gắng xây dựng thể chế kinh tế theo hướng tiến bộ, theo những mô hình thế giới mà chúng ta đã nghiên cứu và thực sự muốn làm. Nhưng đúng là có những kế hoạch tốt nhưng không thực thi được. Có lý do kiến trúc thượng tầng chưa phù hợp, nhà nước chưa cải cách thì thị trường không thể phát triển được.
Đơn cử như có trường hợp một doanh nghiệp nhà nước muốn điều tra thị trường để xây dựng chiến lược cạnh tranh cho sản phẩm, những lãnh đạo bộ chủ quan không đồng tình. Với sự can thiệp này, làm sao doanh nghiệp có thể làm tốt được.
Theo tôi, cải cách giai đoạn tới đây vẫn phải bắt đầu từ người đứng đầu…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt