Các văn bản kiểm tra chuyên ngành đang “cản đường” doanh nghiệp
Chuyển biến về hệ thống văn bản pháp quy về quản lý, kiểm tra chuyên ngành sẽ là “chìa khóa” để cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Để thực hiện yêu cầu này, các bộ, ngành cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế 73 văn bản.
Thời gian qua, thông qua các đợt làm việc tập trung, Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc các bộ, ngành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đang còn hiệu lực. Trên cơ sở kết quả rà soát, nhóm công tác liên ngành đã chỉ ra 73 nhóm văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung. Các kiến nghị được nêu ra theo định hướng yêu cầu của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn là đơn vị có số văn bản cần sửa đổi, bổ sung chiếm tỉ lệ nhiều nhất với 27 văn bản. Trong đó, yêu cầu đặt ra đối với hầu hết các văn bản thuộc bộ này là tăng cường áp dụng quản lý rủi ro, miễn, giảm kiểm tra. Chẳng hạn Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT quy định trình tự, thủ tục kiểm tra thực vật NK, Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật NK, hay Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT quy định về trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản… cần sửa đổi, bổ sung quy trình lấy mẫu đối với lô hàng có khối lượng lớn để giảm thời gian, chi phí kiểm tra; áp dụng quản lý rủi ro; điện tử hóa và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia trong đăng ký và trả kết quả kiểm tra.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng có độ rủi ro thấp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được đề xuất giảm mức độ quản lý rủi ro như: Mặt hàng muối (Thông tư 34/2014/TT-BNNPTNT), mặt hàng thức ăn chăn nuôi (quy định tại Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT; Thông tư 50/2014/TT-BNNPTNT; Thông tư 29/2015/TT-BNNPTNT) cần chuyển sang Danh mục hàng hóa nhóm 1 (kiểm tra trước khi đưa ra lưu thông) vì có độ rủi ro không cao, xem xét quy định về chứng nhận hợp quy giống cây trồng NK tại thời điểm trước khi đưa ra lưu thông, sản xuất… Cùng với việc sửa đổi văn bản pháp quy theo hướng đổi mới, áp dụng quản lý rủi ro, giảm tỉ lệ kiểm tra trước thông quan, nhiều văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần công bố danh mục kèm mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK 2015.
Trong danh sách 73 văn bản quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung, số văn bản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương cũng chiếm tới 10 văn bản. Trong đó, rất nhiều quy trình, quy định cần sửa đổi bổ sung vì đang gây cản trở cho hoạt động XNK. Đáng lưu ý là Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may cần làm rõ một số quy định để tránh có cách hiểu khác nhau như: Khoản 11 Điều 3 khái niệm và kiểm tra hồ sơ “là kiểm tra tính phù hợp của hồ sơ với lô hàng”, nghĩa là vẫn kiểm tra thực tế hàng hóa. Bên cạnh đó Bộ Công Thương cũng cần áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hàng hóa; tăng cường miễn, giảm kiểm tra, thừa nhận lẫn nhau và điện tử hóa tiếp nhận đăng ký và trả kết quả kiểm tra.
Một quy định mà cả DN và cơ quan Hải quan cũng gặp rất nhiều vướng mắc đó là quy định về dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu của thiết bị sử dụng năng lượng tại Quyết định 51/2011/QĐ-TTg, Quyết định 03/2013/QĐ-TTg, Quyết định 78/2013/QĐ-TTg. Qua quá trình rà soát, tổ công tác liên ngành đề nghị sửa đổi quy định kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu được thực hiện sau khi thông quan (trước khi đưa ra lưu thông) để đáp ứng Nghị quyết 19/2016/NQ-CP. Vì có nhiều thiết bị phải lắp đặt, chạy thử mới kiểm tra được, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.
Bộ Y tế cũng là đơn vị có nhiều văn bản cần sửa đổi, bổ sung – 9 văn bản. Theo kiến nghị của tổ công tác liên ngành nhiều quy định của bộ này cần sửa đổi để phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP như: Luật An toàn thực phẩm, khoản 1b Điều 28 quy định thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm NK phải kiểm tra trước khi thông quan. Theo quy định này, mặt hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi NK là rất nhiều. Chính vì vậy, Bộ Y tế cần quy định rõ Danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra an toàn thực phẩm có hai loại: Mặt hàng có rủi ro cao (danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan) và mặt hàng có độ rủi ro thấp (danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ). Đồng thời, tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm cần bổ sung thêm đối tượng được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm gồm: Hàng NK kinh doanh cửa hàng miễn thuế, hàng quà biếu, tặng NK trong định mức miễn thuế. Bên cạnh đó, quy trình kiểm dịch y tế biên giới (Thông tư 46/2014/TT-BYT) cần làm rõ các trường hợp khai báo y tế, các trường hợp phải kiểm dịch y tế đối với hàng hóa, phương tiện vận tải XNC để thực hiện thống nhất. Trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT/BYT-BNNPTNT-BCT) Bộ Y tế cần làm rõ khái niệm hàng mẫu được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định 38/2013/NĐ-CP (về định lượng, giá trị của hàng mẫu), thủ tục miễn kiểm tra để thực hiện thống nhất. Quy định rõ thủ tục miễn kiểm tra đối với bao bì, hóa chất thuộc Danh mục phải kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng không sử dụng vào mục đích cho thực phẩm.
Không chỉ có Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, ở hầu hết các bộ (Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng) cũng đều có những văn bản cần sửa đổi với những kiến nghị chủ yếu là giảm tỉ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan sang sau thông quan, áp dụng quản lý rủi ro và áp dụng điện tử hóa trong nộp/trả hồ sơ cấp phép NK.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt