Các nước làm được, tại sao Việt Nam lại không?
Chuyên gia quốc tế về môi trường kinh doanh, ông Olin McGill đặt câu hỏi: “Các nước làm được (cải thiện môi trường kinh doanh-MTKD), tại sao Việt Nam lại không?”.
Câu hỏi của ông Olin McGill khiến nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải nhìn lại các thủ tục hành chính hiện hành đang là rào cản khiến Chỉ số MTKD của Việt Nam năm 2014 đứng ở vị trí thứ 99/189 nền kinh tế trên thế giới, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Lấy ví dụ cụ thể từ nước Cộng hòa Gruzia, ông Olin McGill tin rằng, không có lý do gì Việt Nam không tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao thứ hạng trong Chỉ số xếp hạng MTKD (Doing Business) qua đó tăng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, tăng sức mạnh của nền kinh tế.
Gruzia là một quốc gia nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, chỉ mới được độc lập vào tháng 4/1991 sau khi tách khỏi Liên-xô (cũ), và mãi tới năm 2005, vẫn còn khoảng một nửa dân số quốc gia Đông Âu này vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Nhưng chỉ sau 5 năm (2005-2009) tích cực cải cách thủ tục hành chính, Chỉ số xếp hạng MTKD của Gruzia đã tăng hơn 100 bậc từ vị trí thứ 112 năm 2005 lên vị trí thứ 11 vào năm 2010.
Kết quả là so với năm 2005, GDP năm 2009 của Gruzia tăng 67,6%; thu ngân sách tăng 121%; kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng và tạo công ăn việc làm tăng 50%; thu nhập của người dân tăng 65%; thị trường cho thuê bất động sản tăng 66%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng liên tục cho dù vào tháng 8/2008, quốc gia nhỏ bé này xảy ra chiến tranh với Liên bang Nga.
Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho MTKD nền kinh tế được gì? Ông Olin McGill lượng hóa, chỉ tính riêng thủ tục về thuế, so với năm 2009, hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đã giảm được 178 giờ (từ 1.050 giờ/năm xuống còn 872 giờ/năm), với khoảng 400.000 doanh nghiệp, nền kinh tế tiết kiệm được 9.800 tỷ đồng.
“Nếu các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực quốc gia thì trong vòng 3-4 năm tới, Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu trong số các nền kinh tế có MTKD hấp dẫn, trong đó, nếu thời gian nộp thuế giảm từ 872 giờ hiện nay xuống còn 171 giờ thì cộng đồng doanh nghiệp tiết kiệm được 66.000 tỷ đồng”, ông Olin McGill tính toán.
Theo ông Olin McGill, số tiền tiết kiệm được nhờ Chính phủ cải cách thủ tục hành chính, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội khác.
Hiện tại để xuất khẩu một lô hàng, doanh nghiệp phải có đủ 5 chứng từ và mất tới 21 ngày, còn để nhập khẩu phải có 8 chứng từ và cũng mất 21 ngày. Nếu thực hiện được mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 19/NQ-CP là thời gian làm thủ tục xuất-nhập khẩu của Việt Nam tương đương với các nước ASEAN-6 (nhập khẩu mất 13 ngày và xuất khẩu xuất khẩu mất 14 ngày), theo tính toán của ông Olin McGill, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 28%, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng thêm 50% và tạo ra thêm khoảng 3,5 triệu việc làm mới.
“Samsung đang chuyển dần hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam vì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc (hiện chỉ vào khoảng 1.400 USD/năm). Nhưng cùng với lộ trình tăng lương tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên, và điều này không còn hấp dẫn Samsung cũng như các tập đoàn đa quốc gia khác. Hậu quả là Samsung sẽ chuyển hoạt động sản xuất tại Việt Nam sang các quốc gia khác có lợi thế hơn như họ đã từng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nếu Việt Nam không đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số MTKD”, Olin McGill cảnh báo.
“Tại sao các nền kinh tế khác cải thiện được MTKD mà mình không làm được?”, TS. Trần Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương lặp lại câu hỏi.
Thừa nhận kể từ khi thực hiện Đề án 30 (Quyết định 30/2007/QĐ-TTg về đơn giản hóa thủ tục hành chính) thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, hàng loạt thủ tục không còn phù hợp đã bị bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch cũng như hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhưng ông Cung cũng cho rằng, tiến trình cải cách không theo kịp với đòi hỏi một phần là do rất nhiều thủ tục tưởng như “vô hại” lại đang cản trở hoạt động của xã hội.
“Có những thủ tục tưởng như rất đơn giản như yêu cầu hồ sơ, tài liệu, văn bản phải đóng dấu chẳng hạn. Thời gian đóng dấu mất rất ít, nhưng lại cản trở rất lớn tiến trình cải cải cách thủ tục hành chính do không thể áp dụng công nghệ thông tin vì hồ sơ, giấy tờ, tài liệu được tích hợp trên mạng Internet không thể có “dấu đỏ”. Hay như việc doanh nghiệp người dân có quá nhiều mã số như mã số đăng ký kinh doanh, mã số thuế, số bảo hiểm xã hội, số bảo hiểm y tế, mã số thuế thu nhập cá nhân, chứng minh thư, hộ chiếu, số khai sinh, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế… khiến việc áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính bị hạn chế”, ông Cung phân tích.
Mặc dù còn nhiều trở ngại trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao Chỉ số xếp hạng MTKD, nhưng chuyên gia Olin McGill tin rằng Việt Nam sẽ thành công.
“Chính phủ Việt Nam có quyết tâm, đã và đang thể hiện quyết tâm nâng Chỉ số xếp hạng MTKD. Việt Nam có hẳn một cơ quan đứng ra chủ trì và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc này là CIEM. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương sẵn sàng đổi mới và Việt Nam có nền tảng công ghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ. Những điều kiện này của Việt Nam không nhiều nước có được, kể cả Gruzia – quốc gia được Ngân hàng thế giới đánh giá rất cao về cải cách thủ tục hành chính”, chuyên gia Olin McGill khích lệ.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt