Các dự án vệ tinh vốn FDI ào vào Việt Nam
Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất đồ điện tử của thế giới và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Một trong những dự án FDI đầu tiên được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2016 chính là dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử của Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia). Với vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD, nhà đầu tư này dự định xây dựng nhà máy Aureumaex Precision Plastics, chuyên sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại TV thông minh, TV LCD và TV LED có độ chính xác cao.
Không khó để dự đoán, United More đang nhắm đến việc trở thành nhà cung cấp cho Tổ hợp Samsung SEHC, vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 2/2016 cũng tại SHTP.
Thực tế thì sau khi Samsung đầu tư dự án tại SHTP, kể cả dự án này, đã có 4 dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Tổng vốn đầu tư của các dự án này không lớn và điều này là dễ hiểu bởi đó chỉ là những dự án vệ tinh cho dự án lõi của Samsung, song đã báo hiệu một xu thế mới. Đó là sẽ có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực này tìm đến TP.HCM cũng như các địa phương lân cận để đón đầu cơ hội từ dự án SEHC, giống như thực tế đã và đang xảy ra ở khu vực phía Bắc, sau khi Samsung rồi Microsoft và LG không ngừng đổ vốn vào Việt Nam.
Chỉ trong một ngày cuối của năm 2015, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Đó là các dự án “Halla Vina” của nhà đầu tư Hallacast Co., Ltd, vốn đầu tư 30 triệu USD; HKT Electronics Việt Nam của HKT Co., Ltd.(Hàn Quốc), vốn đầu tư 16 triệu USD, và Dự án của Woosung Molding & Plastics Co., Ltd, vốn đầu tư 34 triệu USD. Cả 3 dự án trên đều do nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai và đều nhắm đến mục tiêu cuối cùng là sản xuất linh phụ kiện cho điện thoại di động, như khung máy điện thoại thông minh, khay đựng sim, vỏ máy và giá đỡ, tấm bảo vệ linh kiện, vỏ điện thoại di động… Các dự án này đều đặt mục tiêu đưa nhà máy vào hoạt động ngay trong năm 2016 để kịp cung ứng linh phụ kiện cho các tổ hợp sản xuất đồ điện tử, thiết bị di động của các ông lớn Samsung, Microsoft, LG…
Trước đó ít ngày, Ban quản lý Khu công nghiệp Vĩnh Phúc cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Orchem (Hàn Quốc) triển khai dự án sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư 2 triệu USD.
Vĩnh Phúc nhiều năm gần đây, theo ông Nguyễn Tiến Hạnh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đã thu hút được rất nhiều dự án linh kiện điện tử, vệ tinh cho Samsung và các dự án này đều hoạt động thành công. Một trong những ví dụ điển hình là Công ty Haesung Vina, từ vốn đầu tư ban đầu 36 triệu USD, doanh nghiệp này đã quyết định nâng vốn lên 72 triệu USD để mở rộng sản xuất. Trong năm ngoái, Heasung đã sản xuất được hơn 50 triệu sản phẩm camera và bán thành phẩm camera, đạt kim ngạch xuất khẩu 225 triệu USD, tăng 54% so với năm 2014.
Những dự án đầu tư không quá lớn và mức đóng góp có thể cũng không nhiều, song “tích tiểu thành đại”, tính chung thì đã có hàng tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp điện tử Việt Nam. Cộng thêm các khoản đầu tư “lõi”, như 14,8 tỷ USD của Samsung, 1 tỷ USD của Intel, 1,5 tỷ USD của LG, 302 triệu USD của Microsoft…, thì đã có xấp xỉ 20 tỷ USD vốn FDI trong lĩnh vực này đổ vào Việt Nam. Và dòng vốn vẫn đang tiếp tục dịch chuyển cùng với quyết định lựa chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của các ông lớn này.
Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, Việt Nam đang trở thành công xưởng lớn của thế giới trong lĩnh vực này. Chỉ tính riêng Samsung, hai tổ hợp công nghệ ở Thái Nguyên và Bắc Ninh hàng năm đã cung ứng khoảng 33% tổng lượng điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu. Năm 2015, riêng Samsung đã xuất khẩu 32,8 tỷ USD các sản phẩm điện thoại, đồ điện tử và linh kiện.
Nếu tính chung, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 15,8 tỷ USD các sản phẩm điện tử máy tính và linh kiện, tăng 4,26 tỷ USD so với năm 2014; xuất khẩu 30,6 tỷ USD các sản phẩm điện thoại và linh kiện. Gần như tất cả những đóng góp này thuộc về khối doanh nghiệp FDI.
“Đây là chuyện chưa từng có. Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất thiết bị di động của toàn cầu”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã hồ hởi khẳng định như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương, tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm chipset dùng cho điện thoại di động, cũng vui mừng khi cho biết không chỉ các tập đoàn lớn trên toàn cầu, mà ngay cả các nhà sản xuất Việt Nam cũng đã và đang tăng cường mở rộng đầu tư và sản xuất tại Việt Nam. “Không chỉ là trung tâm sản xuất, tôi hy vọng sau này Việt Nam sẽ còn trở thành trung tâm thiết kế của thế giới”, ông Nam nói.
Dòng vốn FDI vẫn không ngừng chảy vào lĩnh vực công nghiệp điện tử và đó là điều đáng mừng. Bộ Thông tin và Truyền thông trong báo cáo năm 2015 cũng đã nhấn mạnh việc các ông lớn điện tử xuất hiện tại Việt Nam đã mang lại cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn.
Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hạn chế lớn nhất hiện nay là công nghiệp điện tử Việt Nam hiện mới chỉ dừng ở mức độ gia công và điều này sẽ gây khó khăn trong việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng chưa đóng góp nhiều trong cuỗi cung ứng điện tử. Và điều này có thể dẫn tới việc các nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm đầu tư sang các nước khác khi thời gian ưu đãi đầu tư kết thúc.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt