Thứ Hai, 23/11/2015 8:53:48 (GMT+7)

Các đại gia chia sẻ kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp “thời TPP”

Ngày 21/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 200 doanh nghiệp lớn đã tham dự Diễn đàn kinh doanh 2015 với chủ đề “Đầu tư vào nông nghiệp thời TPP” do Kênh thông tin kinh tế-tài chính CAFEF kết hợp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức.

Các đại gia chia sẻ kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp “thời TPP”

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng ở huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Các tham luận tại diễn đàn tập trung nêu bật các nội dung: Cơ hội và thách thức trong đầu tư nông nghiệp; định vị doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và TPP và cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp.

Diễn đàn đã thông tin cho các đại biểu về bức tranh toàn diện của hoạt động đầu tư vào nông nghiệp hiện nay, các phân tích về chuỗi giá trị trong ngành, những tác động của TPP đến nông nghiệp Việt Nam.

Các diễn giả nhận định ngành nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới sau khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán và chuẩn bị được ký kết.

Hàng loạt tập đoàn lớn đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm gần đây đang tạo thành xu hướng và lan tỏa rộng đến nhiều doanh nghiệp khác. TPP sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng nông sản Việt Nam. Lợi thế này cũng sẽ tạo ra sức hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới.

Nhưng ngược lại, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ “bại trận trên sân nhà” vì sức cạnh tranh yếu kém do chưa áp dụng công nghệ cao, quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp hoặc chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Hà Huy Hiệp/Vietnam+)

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tổ chức lại sản xuất, trong đó giải pháp thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào nông nghiệp sẽ tạo bước đột phá, tạo động lực mới trong tái cơ cấu và dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã nêu lên những định hướng phát triển ngành hàng trong hội nhập TPP; các ngành hàng ưu tiên mang lại giá trị cho Việt Nam và giá trị vượt trội cho nhà đầu tư và định hướng chiến lược, chính sách.

Ông nêu bật các chính sách cần ưu tiên để thu hút đầu tư vào nông nghiệp là cần có tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật minh bạch; hỗ trợ đất sạch, hạ tầng, quy hoạch rõ ràng, dài hạn; xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, hỗ trợ khoa học công nghiệp; nâng cao năng lực, thu hút nhân tài, hỗ trợ đào tạo nghề; bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ…

Theo bà Vũ Thị Minh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) thì Việt Nam có các yếu tố khích lệ FDI vào nông nghiệp như: nguồn lực giá rẻ và sẵn có, thị trường lớn trong bối cảnh thị trường thế giới đang thu hẹp đáng kể, khả năng hoạt động kinh doanh nhanh chóng, có các chính sách ưu đãi đầu tư và thủ tục hành chính đang được đơn giản hóa, môi trường đầu tư minh bạch và thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, các chính sách đối với FDI vào nông nghiệp vẫn chưa đủ hấp dẫn, cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn lạc hậu và thiếu các dịch vụ hậu cần hiện đại, các xu hướng tự do hóa thương mại làm suy yếu động lực của nhà đầu tư, khả năng gia tăng bệnh dịch chưa được kiểm soát có hiệu quả, quy mô sản xuất nhỏ và phân tán…

Từ thực tiễn này, bà Vũ Thị Minh kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng chiến lược thu hút FDI, cần cung cấp các thông tin về ngành nông lâm thủy sản Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng các chiến lược thâm nhập thị trường.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp như Phúc Sinh, Đông lạnh Hùng Vương, VinGroup, Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk đã cùng chia sẻ từ thực tiễn đầu tư, các kiến nghị về chính sách đầu tư tới cơ quan quản lý.

Các doanh nghiệp này đã nhanh chóng nhận thấy cơ hội và đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp thời gian qua. Với vị thế của những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu Việt Nam, các doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp một cách rất khác trước đây.

Với nền “nông nghiệp 2.0,” các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi nguồn lực mạnh mẽ, bài bản, tiếp thu công nghệ tiên tiến, chuyên nghiệp, do vậy sản phẩm của họ hoàn toàn đủ chất lượng để cạnh tranh với những đối thủ quốc tế, mang đến luồng sinh khí mới cho lĩnh vực nông nghiệp./.

Theo Hà Huy Hiệp - Báo Vietnam+