Bộ trưởng Vinh chỉ cơ hội cho nhà đầu tư Nhật Bản
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đã dành cả buổi đối thoại để bàn cụ thể cách doanh nghiệp Nhật Bản tận dụng cơ hội khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Không gian kinh tế của 600 triệu dân, với GDP hơn 3000 tỷ USD/năm là điểm mấu chốt mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh khi nói về cơ hội của các nhà đầu tư Nhật Bản khi Việt Nam tham gia AEC.
“Các hoạt động lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động kỹ năng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn giới hạn trong vùng địa giới của Việt Nam. Kể cả hoạt động đầu tư trực tiếp cũng sẽ thay đổi lớn khi AEC có cơ chế ưu đãi tốt nhất dành cho các doanh nghiệp nội khối. Như vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ rất thuận lợi khi sử dụng tên tuổi là nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư vào các nước ASEAN”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trao đổi với các thành viên của Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) – tổ chức đang thu hút tới 1.300 công ty, 121 hiệp hội công nghiệp trong nước và 47 tổ chức kinh tế tầm khu vực là thành viên.
Cùng với đó, Bộ trưởng Vinh cũng khẳng định, các lĩnh vực mà Việt Nam đang cần và sẽ dành ưu đãi thu hút nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản bao gồm không chỉ các lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp ưu tiên mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Vinh nhắc tới thời điểm 2015 vì hai vị đồng chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật – Việt của Keidanren đặt hàng loạt câu hỏi khá thẳng thắn về cơ hội nào dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong các chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam. Trong đó, mối lo ngại về nặng lực cạnh tranh của Việt Nam so với ASEAN 6 không hề nhỏ.
Bộ trưởng Vinh cho rằng, những thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể được nhìn nhận là cơ hội của không ít các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản.
“Trong tháng 12 này, dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ được thông qua, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng. Tôi hy vọng các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tham gia vào hoạt động này. Trong năm 2015, Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ được hoàn tất. Cùng với đó là các hoạt động đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua bán và sáp nhập, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng hơn các kế hoạch đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam theo đúng nhu cầu mà các nhà đầu tư Nhật Bản đã khuyến nghị từ nhiều năm nay”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Phải nói rõ, việc Việt Nam gia nhập AEC sẽ buộc cả nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đối mặt trực tiếp với những đòi hỏi cao hơn, chuẩn mực hơn trong cả môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Việt Nam chấp nhận luật chơi nghĩa là chấp nhận phải cải thiện mới thu hút được vốn, được nhà đầu tư”, Bộ trưởng Vinh khẳng định những xu hướng cải cách môi trường kinh doanh đã rất rõ rệt thông quan một loạt văn bản liên quan đến đầu tư – kinh doanh vừa được ban hành như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Ngoài ra, việc Việt Nam sẽ hoàn tất ký kết một số hiệp định thương mại tự do mới với Hàn Quốc, EU, Liên minh thuế quan với Nga, Belarus và Kazakhstan vào đầu năm 2015 cũng sẽ tác động rất mạnh tới cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản.
“Quốc hội cũng đã chọn năm 2015 là năm doanh nghiệp để bàn cách các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng thế nào, làm thế nào để không thua trên sân nhà. Việt Nam sẽ phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề, sẽ có kế hoạch hành động cụ thể để tham gia vào AEC hiệu quả. Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chắc chắn sẽ được lợi trong quá trình này”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cam kết.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt