Bổ sung cụ thể những trường hợp miễn thuế
Để phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế, khuyến khích sản xuất xuất khẩu (SXXK), dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) đã bổ sung một số trường hợp cụ thể được miễn thuế, chuyển từ đối tượng hoàn thuế sang đối tượng miễn thuế.
Ban soạn thảo phân tích, theo quy định tại khoản 1d, Điều 19 Luật Thuế XK, thuế NK hiện hành, thì nguyên liệu, vật tư NK để SXXK thuộc đối tượng tạm nộp thuế, sau khi XK sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu này sẽ được hoàn lại thuế; máy móc thiết bị NK để phục vụ sản xuất hàng XK phải nộp thuế NK. Tuy nhiên, Luật cũng quy định hàng hóa NK để gia công sau đó XK sản phẩm gia công thuộc đối tượng miễn thuế (bao gồm cả nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị). Về bản chất kinh tế thì hai trường hợp này giống nhau, đều là hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK, không tiêu dùng tại Việt Nam, nhưng chế độ thuế, chế độ quản lý hải quan áp dụng khác nhau.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã tham khảo điểm E3 (phần định nghĩa) Phụ lục F Công ước Kyoto và kinh nghiệm quốc tế một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Pakistan cho thấy nguyên liệu, vật tư NK để SXXK được áp dụng chế độ miễn thuế.
Vì vậy, để khuyến khích SXXK, đơn giản thủ tục hành chính trong việc thu nộp và hoàn thuế (tương tự như phương thức quản lý đối với hàng gia công XK) tại khoản 7, Điều 15 dự thảo Luật đã chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập để SXXK từ đối tượng hoàn thuế sang đối tượng miễn thuế.
Khơi thông dòng vốn tam nông
Là chính sách của Đảng và Nhà nước, đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng của người dân về những cơ chế thông thoáng, an toàn và hiệu quả, Nghị định 41/2010/NĐ-CP (Nghị định 41) của Chính phủ đã góp phần giúp Agribank củng cố vị trí chủ lực trên thị trường nông nghiệp, nông thôn…
Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào triển khai đã dần bộc lộ những điểm bất cập, nhất là đòi hỏi một sự thay đổi tất yếu do yêu cầu thực tế trong cho vay nông nghiệp. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP nhằm khắc phục những vướng mắc, hạn chế của Nghị định 41 và có nhiều điểm mới, phù hợp với xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, thúc đẩy sản xuất phát triển, bứt phá kinh tế nông nghiệp, nông thôn:
Thứ nhất, Nghị định 55 đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình ngoài địa bàn nông thôn nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ hai, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã… lên từ 1,5 đến 2 lần so với quy định tại Nghị định 41 và được quy định thành nhiều mức khác nhau. Ngoài ra còn quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá… cao hơn các lĩnh vực khác.
Thứ ba, có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đây là nội dung mới, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ và phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt. Nội dung chính sách hỗ trợ tập trung vào quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm và cơ chế xử lý khoản nợ khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Với chính sách này, các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ yên tâm hơn trong việc đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, Nghị định 55 đã đưa ra phương thức cho vay mới (phương thức cho vay lưu vụ), phương thức này đã được Agribank áp dụng từ lâu và chủ yếu với loại hình cây lúa, nhưng gần đây đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho bổ sung cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm và bây giờ được Chính phủ thừa nhận và “pháp điển hóa” đối với phương thức cho vay này với đối tượng mở rộng là cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm.
Thứ năm, Nghị định 55 có cơ chế khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ vốn vay thông qua việc quy định tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.
Thứ sáu, Nghị định 55 quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ bảy, khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác.
Thứ tám, Nghị định 55 cũng bổ sung thêm quy định cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng.
Agribank đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kỳ vọng đây sẽ là hành lang pháp lý đủ rộng để khơi thông dòng vốn tín dụng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
“Cuộc chơi mở” của thị trường chứng khoán
Tại Hội thảo Triển khai Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sáng ngày 13/8, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho rằng, việc ban hành, triển khai thi hành Nghị định sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý rất quan trọng trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong “cuộc chơi mở”, hội nhập thị trường quốc tế sâu rộng.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 60 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, để có thể triển khai trước thời điểm Nghị định có hiệu lực vào ngày 1/9 tới.
Đây được cho là Nghị định có tính nhạy cảm cao, song lại có thời gian chuẩn bị ban hành nhanh nhất. Do có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã tiến hành lấy ý kiến đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm bảo đảm tính khả thi cao hơn khi triển khai thi hành trong thực tiễn.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo thông tư liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) dự kiến sẽ được trình ký trong tuần này, và bảo đảm cam kết của Bộ Tài chính là có Thông tư hướng dẫn trước khi có hiệu lực thi hành.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Quang Việt, tỷ lệ sở hữu nước ngoài quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài và thực hiện đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo điều ước quốc tế. Đối với các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.
Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%…
Bất động sản TP. Hồ Chí Minh có biểu hiện mất cân đối
Thị trường bất động sản đang có biểu hiện phát triển mất cân đối, đặc biệt trong phân khúc bất động sản cao cấp.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), thị trường bất động sản TP.HCM 7 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà hồi phục mạnh hơn trên tất cả các phân khúc, đặc biệt trong phân khúc bất động sản cao cấp, với nhiều dự án được khởi công xây dựng, chào bán trên thị trường.
Trong phân khúc bất động sản cao cấp hiện nay đang có xu thế dịch chuyển phát triển sang phía Đông Thành phố, từ bờ Tây sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4), qua quận 2 và một phần quận 9 giáp ranh quận 2.
Hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A), hợp tác đầu tư bất động sản diễn ra rất mạnh giữa các doanh nghiệp, trong đó nổi bật là vai trò thống lĩnh của các doanh nghiệp trong nước, đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển bất động sản lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng như Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh, SSG, Bitexco, Phú Mỹ Hưng, Him Lam, M.I.K, TNR Holdings, Nam Long, Hưng Thịnh, Phúc Khang…
Hiện nay, TP.HCM có 1.407 dự án phát triển bất động sản, trong đó có 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư. Đây cũng là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động M&A trong thời gian tới. Thông qua hoạt động M&A, các doanh nghiệp đã tự giải quyết một phần quan trọng hàng tồn, nợ xấu trên thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản đứng thứ 3 trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2015, với nhiều hoạt động hợp tác đầu tư như Công ty Đầu tư Nam Long đã hợp tác với Quỹ đầu tư IFC thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), với Công ty Hankyu Realty và Công ty Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản); Công ty An Gia hợp tác với Quỹ đầu tư CREED (Nhật Bản), với tổng mức 200 triệu USD; Tổng công ty Becamex tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản); Tập đoàn Gamuda Land Malaysia đã đầu tư vào Dự án Celadon City (quận Tân Phú); Quỹ đầu tư Vinacapital, Jen tiếp tục mở rộng đầu tư vào bất động sản…
Các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản trong nước thông qua các phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án, hoặc cho vay.
Theo nhận định của HOREA, mặc dù thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục, nhưng chưa thật sự vững chắc. Cụ thể, sự phát triển của thị trường chưa đồng đều, chưa cân đối trên tất cả các phân khúc thị trường. Trong khi phân khúc bất động sản cao cấp tăng trưởng rất mạnh, thì phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ và vừa, có giá bán hợp túi tiền của người thu nhập trung bình đang thiếu nguồn cung. Đáng lưu ý, hàng tồn kho, nợ xấu và tình trạng có quá nhiều dự án ngừng triển khai, bị thu hồi chủ trương đầu tư là những vấn đề nổi cộm cần được tiếp tục xử lý trong thời gian tới.
Khu khoáng nóng Kim Bôi “hút” dự án nghỉ dưỡng
Những dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn, đẳng cấp cao hứa hẹn mang lại khuôn mặt mới cho vùng núi đá vôi tỉnh Hòa Bình với lợi thế tự nhiên là nguồn nước khoáng nóng đặc biệt quý giá cho nhu cầu nghỉ dưỡng.
Lợi thế lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Hòa Bình chính là nguồn khoáng nóng ở các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn và một số địa bàn lân cận. Nước khoáng ở đây được đánh giá cao bởi thành phần khoáng chất ổn định, có tác dụng thanh lọc, giúp cơ thể phục hồi sức khỏe, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp… Thế nhưng, trong nhiều năm qua, do hạ tầng giao thông khó khăn cũng như thiếu vắng các dự án du lịch, nghỉ dưỡng có chất lượng khiến du lịch nghỉ dưỡng Hòa Bình gần như rơi vào quên lãng. Các sản phẩm du lịch địa phương khá nghèo nàn, để lại ấn tượng không tích cực từ nhiều khách hàng đã trải nghiệm dịch vụ.
Tuy nhiên, câu chuyện quá khứ của vùng đất này đang thay đổi nhanh chóng. Giới đầu tư bất động sản sẽ phải nhìn nhận lại tiềm năng phát triển bất động nghỉ dưỡng của Hòa Bình khi mới đây, Công ty cổ phần đầu tư phát triển HTV quốc tế và Công ty TNHH Gia Phú quốc tế Singapore đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng cho Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ Quốc Tế Hòa Bình tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn. Dự án gồm các hạng mục: Khu vực thương mại và dịch vụ; khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, khu ẩm thực dân tộc và quốc tế; khu trung tâm thể dục thể thao; trung tâm y tế y học cổ truyền…
Ông Phan Tuấn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư Phát triển HTV Quốc tế cho biết, dự án được đầu tư xây dựng để đáp ứng được nhu cầu phục vụ hầu hết mọi tầng lớp nhân dân và các du khách nước ngoài. Đồng thời, khu sinh thái cũng tạo nên 1 địa điểm du lịch hấp dẫn giữa khu vực núi rừng Tây Bắc, thúc đẩy tiềm năng kinh tế ở tỉnh Hòa Bình. Dự kiến, khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ Quốc Tế Hòa Bình sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2019.
Để thành công khi M&A ngân hàng
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng được dự báo sẽ còn nóng trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu ngành. Nhưng để sớm tích hợp thành công, cần có chiến lược cụ thể vàsự sẵn sàng hợp tác của cả hai bên.
TS. Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, xu hướng phát triển các thương vụ M&A trên thế giới dần gia tăng. Tại các nước Đông Nam Á, M&A cũng tăng trưởng khá mạnh, cho thấy dòng vốn ngoại ngày càng đổ mạnh vào khu vực này. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thu hút vốn ngoại khá mạnh thông qua các giao dịch M&A.
Tuy nhiên, TS. Lực cho rằng, trong quá trình lựa chọn, tìm đối tác để M&A, điều quan trọng là hai bên phải có cùng chiến lược phát triển. “Trong thương vụ BIDV sáp nhập thêm Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), cả BIDV và MHB đều có chiến lược là đẩy mạnh bán lẻ, đồng thời có cùng thiện chí để thúc đẩy M&A”, ông Lực nói.
Trong quá trình tái cấu trúc, theo TS. Lực, những ngân hàng lớn phải có trách nhiệm chung tay với hệ thống ngân hàng bằng cách sáp nhập thêm các ngân hàng nhỏ. Bởi nếu không, hệ thống sẽ gặp khó khăn thì họ cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhưng để thành công trong M&A, cả hai bên phải chung sức, chung chí hướng và cùng quyết liệt (vì để càng lâu thì chi phí càng lớn).
Một điểm lưu ý để thương vụ M&A thành công là công tác thẩm tra càng kỹ càng tốt. Trước thương vụ với MHB, BIDV đã cử 6 đoàn thẩm tra, kiểm tra vào MHB để thực hiện công tác này. Thêm vào đó, lãnh đạo 2 bên phải có sự phối kết hợp và sẵn sàng để cùng hợp tác. Đồng thời, hai bên phải có kế hoạch hợp tác cụ thể về chiến lược phát triển, tăng trưởng.
Ông Katsumi Mizuno, Giám đốc Khối thị trường quốc tế của Credit Saison Nhật Bản cho rằng, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng đối với tín dụng tiêu dùng và dịch vụ thẻ. Đáng chú ý là, tín dụng tiêu dùng cá nhân vẫn còn khá mới mẻ, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt