ADB: Yếu tố cơ cấu ngăn cản Việt Nam tăng trưởng đúng tiềm năng
Mặc dù tình hình kinh tế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, song cần tiếp tục có những cải cách về cơ cấu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để nền kinh tế khai thác được tối đa tiềm năng tăng trưởng.
Đây là nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) được ngân hàng này công bố ngày 24/3 tại Hà Nội.
Ít doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2015 dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng lên 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016, với giả định Chính phủ Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách tái cơ cấu.
Lạm phát hàng năm dự báo tăng 2,5% trong năm 2015, tăng nhanh hơn lên mức 4,0% trong năm 2016 khi cầu trong nước và giá dầu thế giới tăng lên.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: Tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn – đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – sẽ tạo động lực cho xuất khẩu, song tác động tích cực này sẽ phần nào bị giảm sút do tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ giá dầu thế giới thấp, làm tăng thu nhập khả dụng của người dân và giảm chi phí hoạt động kinh doanh.”
Báo cáo ADO nhấn mạnh, mặc dù tình hình kinh tế Việt Nam có cải thiện hơn, song một loạt các yếu tố mang tính cơ cấu tiếp tục ngăn cản Việt Nam phát huy được tối đa tiềm năng tăng trưởng của mình. Trong ngắn hạn, cần ưu tiên tăng cường hệ thống ngân hàng và vạch ra chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề nợ xấu. Tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được thúc đẩy nhờ các luật mới hướng dẫn việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, nâng cao tốc độ tăng trưởng về lâu dài phụ thuộc vào khả năng cải cách cơ cấu sâu rộng hơn của Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo ADO nhấn mạnh rằng chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, so với gần 60% doanh nghiệp ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần nỗ lực tăng cường sự phối hợp liên ngành, đặc biệt là trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường tham vấn rộng rãi với khu vực tư nhân còn giúp xác định các vướng mắc hạn chế sự kết nối với mạng lưới sản xuất. Cần có các chiến lược cho từng ngành để hỗ trợ thành lập các cụm công nghiệp công nghiệp và tạo quy mô kinh tế,” ông Kimura nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia ADB, về lâu dài, Việt Nam có đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hay không phụ thuộc vào khả năng quản trị doanh nghiệp và cải cách cơ cấu sâu rộng hơn, cũng như khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cần ưu tiên xử lý nợ xấu
Báo cáo của ADB cũng cho rằng, tiến trình lành mạnh hóa khu vực ngân hàng đang từng bước đạt được tiến bộ thông qua việc khuyến khích sáp nhập và nhà nước mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.
Tuy vậy, các chuyên gia của ADB cũng tỏ ra lo lắng hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước sẽ tiếp tục tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế. Các ngân hàng thiếu vốn, thiếu minh bạch sẽ vẫn rủi ro cao trước các cú sốc. Việc tìm kiếm đủ nhà đầu tư tham gia vào các đợt bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước bị cản trở bởi cấu trúc sở hữu phức tạp và thông tin tài chính không rõ ràng của các doanh nghiệp này.
“Trong ngắn hạn, cần ưu tiên tăng cường hệ thống ngân hàng và vạch ra chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề nợ xấu. Tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được thúc đẩy nhờ các luật mới hướng dẫn việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp này,” báo cáo nêu.
Phần lớn nợ xấu chưa đưa vào sổ sách kế toán
Đối với việc trong hai tuần qua, tỷ giá đã tăng mạnh tại các ngân hàng thương mại, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB cho rằng, Việt Nam sẽ phải cân nhắc tính cạnh tranh của mình, hiện nay Việt Nam đang phải cạnh tranh thu hút nước ngoài.
Hiện nay, tỷ giá đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, ngoài ra còn yếu tố lao động và môi trường kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước năm nay cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2% và đầu năm đã điều chỉnh 1% rồi, lãi suất hiện nay cũng đang thực dương, lạm phát thấp. Như vậy điều đó cũng đủ động cơ để khiến mọi người thu hút hơn khi đầu tư vào Việt Nam nên Ngân hàng Nhà nước sẽ không nới lỏng chính sách quá mức.
Đối với nợ xấu, ông Dominic Mellor cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số chính thức về nợ xấu, vào năm ngoái là 3,25% và đã chuyển từ ngân hàng thương mại sang Công ty quản lý nợ Việt Nam nhưng một phần lớn con số chưa được đưa vào sổ sách kế toán Việt Nam nên Chính phủ phải đưa ra lộ trình giải quyết nợ xấu.
“Quan trọng là ngân hàng thương mại tăng được vốn dự phòng của mình khi trong tương lai con số nợ xấu sẽ lại quay lại. Những quy định Ngân hàng Nhà nước đưa ra sẽ được thực hiện vào tháng 4/2015 nên những con số chính thức về nợ xấu vẫn tăng, đặc biệt khi các ngân hàng thực hiện chính sách phân loại nợ thì nợ xấu sẽ tăng,” ông Dominic Mellor nhấn mạnh./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt