4 tháng: 25.729 DN đăng ký thành lập mới
Trong 4 tháng đầu năm 2014, cả nước có 25.729 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 143.408 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2013 thì số DN đăng ký thành lập mới tăng 8,1% và số vốn đăng ký tăng 16,2%.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tổng số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 21.489 DN. Trong đó, số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 4.725 DN; số DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 13.489 DN; số DN giải thể là 3.275 DN.
Số DN khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2014 là 5.863 DN.
Trong 4 tháng đầu năm 2014, hầu hết các vùng kinh tế trên cả nước đều có sự gia tăng về số DN thành lập mới so với cùng kỳ năm 2013.
Các DN quay trở lại hoạt động vẫn tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm là vùng Đông Nam Bộ là 2.483 DN (TPHCM 2.044 DN), vùng đồng bằng sông Hồng 1.874 là DN (Hà Nội 1.366 DN).
Các DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký vẫn tập trung chủ yếu tại các địa phương trọng điểm như: TPHCM 7.617 DN, Hà Nội 4.582 DN, Hải Phòng 585 DN, Đà Nẵng có 660 DN.
Về cơ cấu theo ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh, trong 4 tháng đầu năm 2014, hầu hết các ngành đều có sự gia tăng về số DN đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm 2013. Điển hình là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 276,4%, thể hiện lộ trình tái cấu trúc hệ thống của Ngân hàng Nhà nước đã và đang đi đúng hướng.
Tuy nhiên, một số ngành lại có số DN đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2013 là: Thông tin và truyền thông (giảm 60,7%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 0,9%).
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, một số lĩnh vực đã có xu hướng bớt khó khăn hơn khi số DN phải dừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013 như: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 3,3%; hoạt động dịch vụ khác giảm 27,2%.
Ngoài ra, lĩnh vực có số DN quay trở lại hoạt động tập trung nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 2.133 DN.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt