Thứ Ba, 14/09/2021 15:07:42 (GMT+7)

Một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025

Ngày 10/9/2021 UBND tỉnh ban hành báo cáo số 227/BC-UBND đánh giá tác động của Nghị quyết về “Một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”.

Một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc  giai đoạn 2021-2025

Công ty TNHH Exedy Việt Nam giải quyết việc làm ổn định cho trên 300 công nhân, với mức thu nhập trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh Chu Kiều

Theo báo cáo của UBND tỉnh, chính sách được xây dựng, nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm của tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tạo việc làm mới, đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm mới của từng năm và cả giai đoạn 2021-2025, theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm.

Đối với chính sách Hỗ trợ giải quyết việc làm ngoài nước. Mục tiêu là: Kiểm tra, rà soát, đánh giá các chế độ, chính sách của Nhà nước, của địa phương về hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người lao động trên địa bàn tỉnh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật Bản, để có cơ sở điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của tỉnh Vĩnh Phúc; Hỗ trợ vay vốn và hỗ trợ một số chi phí cho người lao động có hộ khẩu thường trú ở Vĩnh Phúc từ đủ 6 tháng trở lên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật Bản, nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính, đồng thời động viên, khuyến khích người lao động giúp họ có thêm động lực để đi làm việc ở nước ngoài. UBND tỉnh đề xuất 03 giải pháp:

Giải pháp 1. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm ngoài nước đối với các đối tượng như Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh, cụ thể: Người lao động có hộ khẩu thường trú ở Vĩnh Phúc từ đủ 6 tháng trở lên, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật Bản, được hỗ trợ một số chi phí một lần; được vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm của tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Giải pháp 2. Điều chỉnh, thống nhất chung mức hỗ trợ đi làm việc ở các nước khác, đi làm việc; thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật Bản, cụ thể:

– Hỗ trợ cho đối tượng thuộc diện ưu tiên (người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số): 15.000.000 đồng/người.

– Hỗ trợ cho các đối tượng khác: 12.000.000 đồng/người.

Giải pháp 3. Điều chỉnh, thống nhất chung mức tiền vay tối đa và mức lãi suất cho vay, cụ thể: Hỗ trợ vay vốn đối với người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; thực tập sinh thực tập kỹ thuật ở Nhật Bản:

– Được vay tối đa số tiền bằng 200 triệu đồng, từ nguồn vốn giải quyết việc làm của tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

– Mức lãi suất cho vay bằng mức lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ, do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Đối với chính sách Hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước. Mục tiêu là: Kiểm tra, rà soát, đánh giá các chế độ, chính sách của Nhà nước, của địa phương về hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người lao động trên địa bàn tỉnh, tự tạo việc làm tại chỗ, để có cơ sở điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của tỉnh Vĩnh Phúc; Hỗ trợ vay vốn cho người lao động có hộ khẩu thường trú ở Vĩnh Phúc từ đủ 6 tháng trở lên, nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính, đồng thời động viên, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm tại chỗ. UBND tỉnh đề xuất 02 giải pháp:

Giải pháp 1. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước đối với các đối tượng như Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh, cụ thể: Người lao động có hộ khẩu thường trú ở Vĩnh Phúc từ đủ 6 tháng trở lên, tự tạo việc làm tại chỗ, được vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm của tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Giải pháp 2. Thống nhất chung mức tiền vay tối đa và mức lãi suất cho vay, cụ thể:

– Hỗ trợ cho người lao động được vay vốn, tự tạo việc làm mới tại chỗ, ổn định có dự án được cơ quan có thẩm quyền thẩm định: Được vay tối đa 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm tỉnh.

– Mức lãi suất cho vay bằng mức lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ, do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về các chính sách nêu trên sẽ khuyến khích, tạo điều kiện, giúp cho người lao động giảm được áp lực về kinh tế, có điều kiện đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; Khuyến khích, tạo điều kiện, giúp cho người lao động giảm được áp lực về kinh tế, có điều kiện tự tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; Góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm mới từng năm và cả giai đoạn 2021-2025, theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh; Góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, từ đó giảm các tệ nạn xã hội; ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Nguyễn Hoàng Nam