Thứ Tư, 19/08/2020 3:47:41 (GMT+7)

Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ngày 06 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển  công nghiệp hỗ trợ

Công ty TNHH Exedy Việt Nam giải quyết việc làm ổn định cho trên 300 công nhân, với mức thu nhập trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh Chu Kiều

Theo đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Đến năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra 07 nhóm giải pháp chính bao gồm:

(1) Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển (được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Luật Đầu tư);

(2) Đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ;

(3) Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng;

(4) Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài;

(5) Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển;

(6) Xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương;

(7) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu liên phát triển nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào 05 nhóm ngành công nghiệp lớn, bao gồm: công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử – tin học; công nghiệp ô tô, xe máy; công nghiệp dệt may, giày dép; công nghiệp vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ chế tạo thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp cụm linh kiện, sản xuất sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng không cao và còn sử dụng nhiều lao động.

Với các giải pháp trong Nghị quyết này cùng sự triển khai quyết liệt của địa phương, hi vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc bứt phá và công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm công nghệ hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tham gia thị trường xuất khẩu.

Nguyễn Thị Hải Yến