Tình hình kinh tế – xã hội tháng 01 năm 2015 Tỉnh Vĩnh Phúc
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 01/2015 đã thực hiện cấp mới 02 dự án, tổng vốn đăng ký 7,71 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 01 dự án với tổng vốn đầu tư thêm 9 triệu USD, tăng vốn điều lệ thêm 02 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 184 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.107 triệu USD.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
a. Sản xuất nông nghiệp
+ Trồng trọt: Trong tháng Một, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch vụ đông, làm đất, gieo mạ chuẩn bị gieo trồng vụ xuân. Tiến độ sản xuất đến hết ngày 30/01/2015 như sau: Toàn tỉnh đã thu hoạch được 19.735 ha, đạt 91,1% diện tích gieo trồng. Trong đó, ngô 11.427,3 ha, đạt 95,3% diện tích gieo trồng; khoai lang 1.753,2 ha, đạt 82,3%; đậu tương 2.063 ha, đạt 97,8%; lạc 170,3 ha, đạt 93,5%; rau các loại 4.321 ha, đạt 87,5% diện tích gieo trồng. Dự kiến đến hết 10/02/2015, toàn tỉnh sẽ thu hoạch xong diện tích cây vụ đông. Cùng với việc thu hoạch cây vụ đông, các địa phương trong tỉnh tiến hành làm đất gieo mạ để chuẩn bị cho gieo cấy vụ xuân. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng được 11.446,55 ha cây vụ xuân (trong đó: lúa xuân sớm 8.952,3 ha; rau các loại 288,7 ha).
Công tác chỉ đạo sản xuất vụ xuân đang được tích cực triển khai. Để sản xuất đạt kết quả tốt, ngày 12/ 01/2015 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 01/2015/CT-CT về việc triển khai các giải pháp cấp bách chống hạn phục vụ sản xuất vụ đông xuân; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn cơ cấu giống cây trồng và thời vụ, chỉ đạo nông dân thu hoạch nhanh gọn các loại cây trồng vụ đông khi đủ độ chín, chủ động lấy nước, làm đất để gieo cấy lúa đảm bảo trong khung lịch tốt nhất.
+ Chăn nuôi: Trong những ngày qua, đã xảy ra rét đậm, rét hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện công tác phòng, chống rét và nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, đảm bảo hiệu quả kinh tế và sức khỏe của người dân. Để chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, các địa phương đã tập trung chăm sóc tốt đàn gia súc gia cầm; Ngày 24 tháng 12 năm 2014 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 21/CT-CT về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng thời Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham mưu cho BCĐ tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi” đợt 3 năm 2014 nhằm tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để dập tắt kịp thời, không để dịch lây lan; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn.
b. Sản xuất lâm nghiệp
Trong tháng Một, các đơn vị chủ yếu tập trung chăm sóc cây giống đã ươm, chuẩn bị khảo sát thực địa để chuẩn bị cho công tác trồng rừng. Đến nay các đơn vị sản xuất lâm nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh như: Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch đã được giao Kế hoạch 135 ha diện tích trồng rừng mới tập trung; Trung tâm Sản xuất Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ đã được giao 13,8 ha Kế hoạch trồng rừng đặc dụng và 5 ha trồng cây lâm sản ngoài gỗ; riêng Vườn Quốc gia Tam Đảo đang chờ kế hoạch được giao để tiến hành trồng rừng.
Công tác phòng chống cháy rừng được chỉ đạo triển khai tích cực, song do thời tiết khô hanh kéo dài, độ ẩm thấp nên vào hồi 14 giờ 00 phút ngày 01/01/2015 tại Lô 6a, Khoảng VI tại thôn Lập Đinh – xã Ngọc Thanh thị xã Phúc Yên đã xảy ra 01 vụ cháy rừng, loại rừng sản xuất, diện tích cháy 4,4 ha. Trong đó, cháy toàn bộ thực bì tế, guột, cây bụi; bạch đàn, thông bị cháy táp lá khó có khả năng phục hồi. Công tác cứu chữa được triển khai quyết liệt đến 17 giờ 00 phút cùng ngày đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
c. Sản xuất thuỷ sản
Hiện nay đang ở cuối vụ nuôi trồng và sắp đến Tết Cổ truyền nên bà con nuôi trồng thủy sản đang tập trung để thu hoạch chuẩn bị diện tích cho nuôi trồng vụ mới. Diện tích 01 lúa 01 cá đến nay đã thu hoạch xong và chuyển sang trồng lúa vụ chiêm xuân. Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng Một dự kiến đạt 4.648 ha, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 1.625 tấn. Các hộ chuyên sản xuất giống và một số cơ sở sản xuất giống lớn như: Chi cục Thuỷ sản, Công ty cổ phần giống Yên Lạc và Trung tâm giống Thuỷ sản cấp I đang tích cực chuẩn bị bồn, bể và đàn cá bố mẹ để phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản vụ mới của bà con trong và ngoài tỉnh.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Một tăng 0,97% so với tháng trước và tăng 17,12% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp I chỉ số sản xuất tháng Một tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ là: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,31% và tăng 65,59%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,98% và tăng 17,15%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,24% và tăng 17,26%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,33% so tháng trước và tăng 0,13% so cùng kỳ. Trong tháng, hoạt động sản xuất công nghiệp tại các doanh nghiệp trong tỉnh diễn ra một cách tích cực, khẩn trương. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ trong dịp cuối năm âm lịch và cũng để dự phòng cho đợt nghỉ dài ngày trong Tết Cổ truyền của dân tộc. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ so tháng trước và tăng khá so cùng kỳ.
Dự kiến trong tháng Một, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất được 27.476 m3 đá các loại tăng 115,31% so với cùng kỳ; 441 tấn chè các loại, tăng 52,31%; 24.564 tấn thức ăn gia súc, tăng 110,92%; 4.422 ngàn quần áo mặc thường, tăng 34,31%; 7.104 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 22,76%; 81.804 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 16,25%; 4.548 xe ô tô các loại, tăng 53,60%; 203.604 xe máy các loại, tăng 4,48%; điện thương phẩm 140 triệu Kwh, tăng 17,26%; nước máy thương phẩm 1.050 ngàn m3, tăng 9,35% so với cùng kỳ năm 2014…
3. Đầu tư, xây dựng
Trong tháng Một, số công trình, dự án khởi công mới ít, các công trình dự án mới vẫn chủ yếu đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, làm thủ tục. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào các công trình chuyển tiếp và công trình đang được thi công dở dang trong năm 2014. Vì vậy tổng vốn đầu tư trong tháng giảm hơn tháng trước và cùng kỳ. Dự kiến, tổng khối lượng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng Một đạt 217,3 tỷ đồng, giảm 32,29% so tháng trước và giảm 30,48% so với cùng kỳ. Giá trị này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh là 143,6 tỷ đồng, giảm 15,84% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện là 57,3 tỷ đồng, giảm 18,47% và vốn ngân sách nhà nước cấp xã là 16,4 tỷ đồng, bằng 22,91% so cùng kỳ năm trước.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 01/2015 đã thực hiện cấp mới 02 dự án, tổng vốn đăng ký 7,71 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 01 dự án với tổng vốn đầu tư thêm 9 triệu USD, tăng vốn điều lệ thêm 02 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 184 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.107 triệu USD.
Đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) tháng 01/2015 đã cấp GCNĐT cho 07 Dự án, tổng vốn đăng ký 1.508,19 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng dự kiến 247,3 ha và chấm dứt hoạt động 01 dự án. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 576 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 39.544,7 tỷ VND.
4. Thương mại, giá cả và dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng Một, là tháng đầu năm dương lịch nhưng là tháng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nên không khí mua sắm trên thị trường sôi động hơn những tháng trước. Các cơ sở, đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị một lượng hàng hóa lớn và đẩy mạnh bán ra phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tỉnh tháng Một đạt 2.643 tỷ đồng, tăng 5,00% so tháng trước và tăng 3,88% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 9,98 tỷ đồng, bằng 74,56% so cùng kỳ; kinh tế cá thể đạt 1.407 tỷ đồng bằng 96,54%; kinh tế tư nhân đạt 1.104 tỷ đồng, tăng 14,97% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120,6 tỷ đồng, tăng 10,95% so với cùng kỳ. Phân theo nhóm ngành kinh tế, ngành thương nghiệp bán lẻ dự kiến đạt 2.295 tỷ đồng, tăng 4,30% so cùng kỳ; kinh doanh lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành đạt 234,8 tỷ đồng, bằng 96,04%; kinh doanh dịch vụ còn lại đạt 113,7 tỷ đồng, tăng 13,76% so với cùng kỳ năm 2014.
b. Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tháng Một dự kiến đạt 130,4 triệu USD, bằng 98,69% so tháng trước và tăng 37,45% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 117 triệu USD, chiếm 89,72% tổng số. Hàng xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng: dệt may 22 triệu USD, tăng 11,81% so với cùng kỳ; hàng điện tử 43,3 triệu USD, tăng 25,02%; chè 3,5 triệu USD, tăng 1,73%, giày dép các loại 4,7 triệu USD, tăng 81,12%; xe máy xuất khẩu đạt 44,3 ngàn chiếc, giá trị đạt 32,4 triệu USD, tăng 90,13% về lượng và tăng 90,95% về giá trị; phụ tùng ô tô các loại (kể cả linh kiện đồng bộ) đạt 363,4 ngàn chiếc, giá trị đạt 3,6 triệu USD, giảm 4,46% về lượng và giảm 3,99 về giá trị so với cùng kỳ.
Tổng trị giá hàng nhập khẩu dự kiến đạt 178 triệu USD, giảm 1,58% so với tháng trước và tăng 22,97% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 164,4 triệu USD chiếm 92,35% tổng số, tăng 21,03% so cùng kỳ. Hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, gia công lắp ráp như: hàng điện tử, linh kiện đồng bộ ô tô, xe máy các loại, vải may mặc…
c. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ
Thị trường hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tháng Một trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán nên các mặt hàng phục vụ nhu cầu tết đã được các tiểu thương và các doanh nghiệp chuẩn bị đa dạng về chủng loại và mẫu mã, giá cả thị trường ổn định do có sự quản lý chặt chẽ của các ban, ngành quản lý thị trường. Thực hiện Quyết định số 3257/QĐ-UBND ngày 7/11/2014 UBND tỉnh và Chỉ thị số 22 ngày 25/12/2014 của Chủ tịch UBND về thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh được bình ổn giá như: gạo tẻ thường, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, dầu ăn. Do đó, hầu hết giá cả các mặt hàng tương đối ổn định và giảm so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Một giảm 0,29% so với tháng trước và tăng 0,56% so vớí cùng tháng năm trước. Ngoài nguyên nhân về chương trình bình ổn giá, nguyên nhân chính làm CPI tháng này giảm là do giá mặt hàng xăng dầu, gas tiếp tục biến động giảm theo mức giảm chung của cả nước… Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động nhẹ.
Giá vàng tháng Một trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ, chỉ số giá trong tháng tăng 0,18% so với tháng trước; giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 3.264 nghìn đồng/chỉ. Cùng chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do có biến động tăng 0,21% so với tháng trước theo mức tăng chung của cả nước; giá bán bình quân phổ biến ở mức 21.398 đồng/USD.
d. Vận tải hành khách và hàng hoá
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời cung cấp đầy đủ lượng vật tư hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng trong dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, các đơn vị vận tải đã chuẩn bị đầy đủ cả về số và chất lượng các phương tiện vận chuyển, tăng cường vận chuyển hàng hóa và hành khách, do đó tổng sản lượng vận tải trong kỳ tăng so với tháng trước.
Dự kiến tháng Một, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 2.202 ngàn tấn, bằng 169 triệu tấn.km, so tháng trước tăng 11,72% về tấn và tăng 11,18% về tấn.km, so cùng kỳ tăng 1,84% về tấn và tăng 2,71% về tấn.km. Khối lượng hành khách vận chuyển đạt 2.108 ngàn hành khách bằng 104,3 triệu hành khách.km, so tháng trước tăng 18,64% về người và tăng 9,29% về người.km, so cùng kỳ tăng 1,88% về người và tăng 1,31% về người.km.
Tổng doanh thu vận tải hàng hoá và hành khách tháng Một dự kiến đạt 268 tỷ đồng, tăng 15,3% so tháng trước và tăng 7,24% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hàng hoá đạt 201,3 tỷ đồng, tăng 7,42%; vận tải hành khách đạt 65,5 tỷ đồng, tăng 5,23% so cùng kỳ.
5. Một số vấn đề xã hội
Cuối năm là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào những dịp lễ, tết. Tuy nhiên, bên cạnh sự phong phú, đa dạng về chủng loại các mặt hàng thực phẩm, kéo theo không ít nguy cơ về hàng giả, hàng nhái, hàng đã quá hạn sử dụng, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng có trà trộn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng. Trước tình hình đó, Sở Y tế đã tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hoạt động của đoàn liên ngành sẽ tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các hàng hóa, thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như thịt, sản phẩm từ thịt, rượu bia, bánh mứt kẹo và các cơ sở dịch vụ ăn uống để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về An toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh, kiểm tra thị trường hàng hóa, Tết Nguyên đán còn là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 04/01/2015, mặc dù lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh gia tăng, có nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông cao. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, nhất là Công an tỉnh và lực lượng Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải trong việc tăng cường trực và tuần tra lưu động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại các bến xe, các khu vui chơi công cộng nên đã không xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Qua tuần tra kiểm soát dịp nghỉ Tết Dương lịch, đã phát hiện lập biên bản 509 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 104 phương tiện, 405 bộ giấy tờ xe, xử phạt 213 trường hợp với số tiền trên 130 triệu đồng.
Để nhân dân đón Tết Nguyên đán Ất Mùi vui vẻ, an toàn, ngày 13/01/2015 UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị 03/2015/CT-CTUBND về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông. Đợt cao điểm bắt đầu từ ngày 16/01/2015 đến ngày 15/3/2015. Nội dung Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định trật tự an ninh trên địa bàn. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. UBND tỉnh đã có kế hoạch tổ chức các đoàn do lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh đến thăm tặng quà các đối tượng gia đình chính sách và một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh; thăm và chúc tết 30 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015./.
(Trích từ Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 01 năm 2014 của Cục Thống kê tỉnh)
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc