Cấp Giấy phép xây dựng đối với dự án trong Khu công nghiệp

Cơ quan chủ trì giải quyết

Ban QLCKCN

Thời gian và trình tự giải quyết

Tổng thời gian (ngày làm việc) không quá 10 ngày; cụ thể như sau:

a) Ban tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự án đầu tư theo quy định, chuyển đến Ban Quản lý các Khu công nghiệp thời gian 01 ngày.

b) Ban Quản lý các Khu công nghiệp: Nhận hồ sơ, thẩm định, tổ chức lấy ý kiến các Sở, ngành liên quan đến dự án đầu tư (nếu có) và cấp Giấy phép xây dựng, chuyển kết quả đến Ban để trả cho Nhà đầu tư; thời gian 08 ngày.

Các Sở, ngành; cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tham gia ý kiến và chuyển kết quả về cơ quan chủ trì giải quyết; thời gian 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của cơ quan chủ trì giải quyết.

c) Ban nhận và trả kết quả cho Nhà đầu tư tại Ban; thời gian 01 ngày.

Các thành phần hồ sơ

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu tại Phụ lục số 6 (mẫu 1) Thông tư 10/2012/TT-BXD, ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng). Trường hợp đề nghị cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn thì trong đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng còn phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng (01 bản chính);

2. Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Giấy chứng nhận QSD đất hoặc Quyết định thu hồi và giao đất của cấp có thẩm quyền hoặc Hợp đồng thuê lại đất kèm biên bản giao đất tại thực địa); giấy tờ về quyền sở hữu công trình, đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo; giấy ủy quyền, đối với trường hợp được chủ sở hữu công trình ủy quyền thực hiện sửa chữa, cải tạo (01 bản sao);

3. Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường (đối với dự án phải đánh giá tác động môi trường) hoặc Giấy xác nhận đã cam kết bảo vệ môi trường (đối với dự án chỉ cần cam kết bảo vệ môi trường) – theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thi hành (01 bản sao);

4. Bản vẽ thiết kế do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện và đã được chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định (02 bản chính). Mỗi bộ gồm:

-   Bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất, mặt bằng ranh giới lô đất, bản vẽ bình đồ (đối với công trình theo tuyến), sơ đồ đấu nối với hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào của công trình (giao thông, thoát nước);

-   Bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt chủ yếu của công trình;

-   Bản vẽ mặt bằng móng, mặt cắt móng, các bản vẽ kết cấu chịu lực chính (móng, khung, tường, mái chịu lực);

-   Bản vẽ hệ thống PCCC đã được thẩm duyệt đối với công trình thuộc danh mục yêu cầu phải thẩm duyệt phương án phòng chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật về PCCC;

-  Đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo thì phải có các bản vẽ về vị trí, hạng mục cần cải tạo, nếu có ảnh hưởng đến kết cấu công trình thì phải có báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng kết cấu cũ liên quan đến các hạng mục cải tạo và các biện pháp gia cố xác định đủ điều kiện để sửa chữa, cải tạo, kèm theo ảnh chụp hiện trạng công trình xin phép cải tạo và công trình lân cận.

5. Giấy Chứng nhận ĐKKD (đối với Doanh nghiệp DDI) hoặc Giấy Chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp FDI thành lập doanh nghiệp mới kèm theo dự án) (01 bản sao);

6. Quyết định phê duyệt dự án (của chủ đầu tư) kèm theo văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền, ý kiến bằng văn bản về thiết kế cơ sở (nếu có) của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định (01 bản chính);

7. Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của chủ đầu tư theo quy định; Báo cáo thẩm tra kết quả thiết kế do cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hoặc tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện, kèm theo các bản vẽ kết cấu chịu lực chính có ký tên, đóng dấu của tổ chức, cá nhân thiết kế;

8. Văn bản phê duyệt biện pháp thi công của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận, đối với công trình xây chen có tầng hầm (01 bản chính);

9. Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế (01 bản chính) (theo mẫu tại Phụ lục số 9 Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/BĐ-CP ngày 4/9/2012 của Chính phủ về cấp Giấy phép xây dựng), kèm theo bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Các biểu mẫu

Cơ sở pháp lý

- Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 do Quốc Hội thông qua ngày 26/11/2003;

- Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính Phủ về cấp Giấy phép xây dựng;

- Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính Phủ về cấp Giấy phép xây dựng.

  • Trang thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc

    Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.

    Địa chỉ: Số 40 đường Nguyễn Trãi, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    Email: investvinhphuc@gmail.com, Điện thoại: (+84).211.3.862.480

    Giấy phép số 49/GP-TTĐT ngày 13/4/2020, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc