Xây dựng Nghị định quy định chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định về chuyển đổi công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến theo quy định.
Hiện nay, trên phạm vi toàn quốc vẫn còn tồn tại một số công ty đang duy trì mô hình tổ chức là công ty nhà nước theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 và công ty được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 là công ty con trong nhóm công ty mẹ – công ty con, trong đó Công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty mẹ), chưa thực hiện chuyển đổi theo loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành (công ty chưa chuyển đổi).
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty, việc thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, tổ chức và hoạt động của các công ty chưa chuyển đổi còn gặp một số vướng mắc như về quy định đăng ký chuyển công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, ngày 19/3/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ-CP quy định việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV và tổ chức quản lý công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Trong đó đã quy định một số nội dung về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi đối với công ty nhà nước (bao gồm cả công ty con tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước) thành các loại hình doanh nghiệp tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 (công ty cổ phần, công ty TNHH). Đến nay, chưa có văn bản pháp lý nào quy định nội dung về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP hết hiệu lực.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP không còn phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi đang hoạt động bao gồm: (i) một số doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi hiện không đảm bảo đủ điều kiện về ngành, lĩnh vực hoạt động và còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính theo quy định tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP; (ii) Các văn bản hướng dẫn đăng ký chuyển đổi công ty nhà nước để tiếp tục hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nêu trên được thực hiện vận dụng các quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các văn bản này đã hết hiệu lực.
Về quy định thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước, các quy định pháp luật hiện hành về cổ phần hoá doanh nghiệp (Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần); và sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu (Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ quy định về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) quy định đối tượng thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, chuyển đổi thành công ty TNHH 2TV, chuyển giao doanh nghiệp là các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Do đó, các công ty chưa chuyển đổi không thể thực hiện sắp xếp lại theo các quy định nêu trên do không thuộc đối tượng; trừ trường hợp công ty nhà nước là công ty nông, lâm nghiệp thì thực hiện sắp xếp theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực hiện chuyển đổi đều gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do không hoạt động theo loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành nên phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn, tạo ít công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời việc quản lý đất đai cũng gặp nhiều vấn đề phức tạp.
Căn cứ vào phân tích tại các phần trên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép thực hiện chuyển đổi sở hữu (cổ phần hoá, chuyển thành công ty TNHH 2TV, bán toàn bộ doanh nghiệp), sắp xếp lại (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể doanh nghiệp) công ty nhà nước tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003; doanh nghiệp nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 chưa chuyển đổi loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Để có căn cứ cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp có thể đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, làm cơ sở cho việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu cho các doanh nghiệp này, việc ban hành Nghị định về chuyển đổi công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp là cần thiết. Nghị định sau khi được ban hành sẽ tạo khung pháp lý giúp các cơ quan đại diện chủ sở hữu, công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty mẹ) thực hiện chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành; giúp quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với phần vốn và tài sản nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; xử lý dứt điểm những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các công ty nhà nước (công ty nhà nước theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 và doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty nhà nước theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995) chưa thực hiện chuyển đổi; góp phần ổn định tình hình lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tình trạng lãng phí trong việc sử dụng đất, khắc phục vướng mắc trong xử lý, sắp xếp đất đai tại một số công ty nhà nước (như: TP Cần Thơ, tỉnh Đắc Nông….).
Kết cấu của dự thảo Nghị định lần 1 gồm 04 chương, 14 Điều và 03 Phụ lục, cụ thể, Chương 1: Những quy định chung gồm 4 Điều (Điều 1 – Điều 4); Chương 2: Đăng ký chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm 4 Điều (Điều 5 – Điều 8); Chương 3: Đăng ký chuyển đổi công ty con chưa chuyển đổi thành công ty TNHH MTV gồm 4 Điều (Điều 9 – Điều 12); Chương 4: Điều khoản thi hành và tổ chức thực hiện gồm 2 Điều (Điều 13 – Điều 14).
Phụ lục 1: Mẫu giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH MTV; Phụ lục 2: Mẫu giấy Quyết định việc chuyển đổi công ty nhà nước/công ty con thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp; Phụ lục 3: Mẫu giấy danh sách người đại diện theo pháp luật/người đại diện theo ủy quyền.
Việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện thể chế, giúp chuyển đổi doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995, năm 2003 thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp; Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về hình thức pháp lý của các công ty nhà nước; thu hồi tối đa vốn đầu tư và nghĩa vụ bảo lãnh nợ tại công ty nhà nước; ổn định sản xuất, nâng cao đời sống người lao động, hạn chế tình trạng khiếu kiện, biểu tình liên quan đến đất đai. Sau khi thực hiện chuyển đổi, cơ quan đại diện chủ sở hữu, công ty mẹ là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong nhóm công ty mẹ – công ty con có trách nhiệm thực hiện sắp xếp doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Để hoàn thiện dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gửi các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố xin ý kiến góp ý gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến trước ngày 29/11/2022 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ./.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc