Phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030
Ngày 02/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 667/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của Chiến lược là thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sử dụng công nghiệp tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp của khu vực có vốn ĐTNN; nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa; thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong nước, xác lập và tăng cường vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn ĐTNN, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực ĐTNN trong phát triển kinh tế – xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng. Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho giai đoạn tới.
Hoàn thành các mục tiêu cụ thể nêu tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn ĐTNN cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm: Châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin; Châu Âu: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; Châu Mỹ: Hoa Kỳ.
Tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam. Đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hàng môi trường kinh doanh tại Ngân hàng Thế giới.
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đưa ra 09 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, thứ nhất, triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành bao gồm: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030…
Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về thể chế, tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng đều và thực chất của cá bộ, ngành, địa phương nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, minh bạch. Bảo đảm môi trường đầu tư, pháp luật ổn định, thống nhất, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện thích ứng kịp thời với vấn đề mới, xử lý được các bất cập để nâng cao chất lượng hiệu quả ĐTNN. Cải thiện khả năng dự báo và tính minh bạch trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng quy trình theo dõi, đánh giá sự phù hợp, tác động, chất lượng của chính sách và tính hiệu lực, hiệu quả của khâu thực thi chính sách.
Về cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ hiện đại, với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, gắn với liên kết vùng nhằm tạo động lực lan tỏa phát triển; Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực ĐTNN, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, chú trọng theo mô hình hợp tác công tư (PPP), nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế. Ban hành danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao để giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ ba, phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy và nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Triển khai quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ ngày 17/4/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ tư, đổi mới và nâng cao cạnh tranh trong thu hút ĐTNN. Xây dựng chính sách thu hút ĐTNN cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác ĐTMM theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Chính sách ưu dãi đầu tư cần được xem xét, căn cứ vào kết quả đầu ra như giá trị gia tăng, hợp phần sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các cấp độ trong chuỗi cung ứng.
Thứ năm, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, lan tỏa. Đánh giá hiện trạng, xu hướng công nghệ và thị trường, xây dựng chiến lược ưu tiên phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc công nghiệp hỗ trợ (CNHT) theo từng thời kỳ để ưu tiên phát triển, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa ĐTNN và đầu tư trong nước, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; nâng cao năng lực hấp thụ, dần tiến tới tự chủ công nghệ; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ sáu, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác ĐTNN. Đẩy mạnh việc thực thi các nhóm chính sách thúc đẩy tăng năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) để phát triển năng lực nội tại và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh: xác định rõ ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh chủ đạo để có những chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp; tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực. Nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Chủ động hội nhập quốc tế toàn diện theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để hội nhập quốc tế đóng góp thiết thực, có sức lan tỏa, thực sự trở thành phương tiện phục vụ phát triển đất nước bền vững trên cơ sở bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế.
Thứ tám, hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa trung ương với địa phương, giữa các vùng, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với hiệp hội nghề nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư.
Thứ chín, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp, điều chỉnh, thu hồi dự án ĐTNN, ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư…, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu trái pháp luật; rà soát việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021-2030. Tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược đến năm 2025 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo./.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc