Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2021
- Doanh nghiệp KHCN được miễn thuế thu nhập 4 năm
Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư số 03/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN), nêu rõ:
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ, cụ thể: được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo
Trong đó, thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được tính liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Nếu không có thu nhập chịu thuế trong 03 năm đầu kể từ năm đầu tiên được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN thì năm đầu tiên tính thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Những chính sách này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.
- 1.838 nghề, công việc được về hưu trước tuổi
Tại Thông tư số 11/2020/TT- BLĐTBXH được ban hành ngày 12/11/2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Căn cứ Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, được về hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm. Cụ thể, người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm được về hưu trước tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp:
– Trường hợp không bị suy giảm khả năng lao động.
– Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động.
Trong đó, danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mới được ban hành kèm theo Thông tư 11/2020 gồm 1.838 nghề, công việc, có thể kể đến: Khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim; hóa chất; vận tải; xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi; điện; sản xuất xi măng; da giày, dệt may…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2021.
- Sửa đổi, bổ sung một số hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về một số nội dung sau:
+ Việc trả lãi đối với số dư trên tài khoản thanh toán được quy định (Điều 1);
+ Hồ sơ mở tài khoản thanh toán (Điều 2),
+ Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán (Điều 3)
+ Thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán (Điều 4);
+ Thủ tục mở tài khoản thanh toán (Điều 5)
+ Mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (Điều 6)
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 03 năm 2021.
- Hướng dẫn hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 06/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 06 năm 2019 về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thông tư hướng dẫn khoản 4 Điều 80 Luật Quản lý thuế về hồ sơ giảm thuế. Theo đó, hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng giảm thuế quy định tại Điều 18 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bao gồm:
- a) Công văn đề nghị giảm thuế nêu rõ loại thuế đề nghị giảm, lý do giảm thuế, số tiền thuế đề nghị giảm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 80 Luật Quản lý thuế gửi qua Hệ thống theo Mẫu số 7 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp hồ sơ giấy thực hiện theo Mẫu số 15/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này: 01 bản chính.
- b) Hợp đồng bảo hiểm, thông báo trả tiền bồi thường của tổ chức nhận bảo hiểm (nếu có), trường hợp hợp đồng bảo hiểm không bao gồm nội dung bồi thường về thuế phải có xác nhận của tổ chức bảo hiểm; hợp đồng hoặc biên bản thỏa thuận đền bù của hãng vận tải đối với trường hợp tổn thất do hãng vận tải gây ra (nếu có): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị giảm thuế.
- c) Văn bản, biên bản xác nhận nguyên nhân thiệt hại của cơ quan chức năng tại địa bàn nơi phát sinh thiệt hại như sau:
- d) Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa: 01 bản chính.
Cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ giảm thuế quy định nêu trên và các quy định có liên quan để ban hành Quyết định giảm thuế.
Bên cạnh đó, Thông tư 06 cũng hướng dẫn quy định về hồ sơ gia hạn nộp thuế; quy định về trình tự, thủ tục hoàn thuế; quy định về hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt…
Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ 8/3/2021.
- Bộ Y tế ban hành Thông tư bãi bỏ mã số hàng hóa đối với dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT
Theo đó, tại Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 04/03/2021 của Bộ Y tế, bãi bỏ mã số hàng hóa đối với 172 dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục dược liệu: các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuộc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam như bạc hà, bạch đàn, bạch đậu khấu, bạch quả, cam thảo nam, chè vằng,…
Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược.
Thông tư 03/2021/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc