Thứ Năm, 06/08/2020 22:59:54 (GMT+7)

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2020

1. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020

EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại Việt Nam – EU. Hiệp định là cơ hội vàng để giúp hai bên đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (07 năm).

Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm  ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 2019-2023), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 2024-2028) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 2029-2030). Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

2. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 cho nhiều đối tượng theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội

Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Theo quy định của Nghị quyết, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 được áp dụng với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;

– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Căn cứ quy định về đối tượng áp dụng và mức giá trên, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị quyết được áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày 04/8/2020.

3. Quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan

 Theo  đó, Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ nêu rõ, hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế; Quy định trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế; Trình tự thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế.

Ngoài các nội dung trên, Nghị định cũng quy định mới về điều kiện công nhận kho ngoại quan; Hồ sơ công nhận kho ngoại quan; hồ sơ công nhận địa điểm thu gom hàng lẻ; Điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu; Hồ sơ xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan; Hồ sơ công nhận kho hàng không kéo dài; Hồ sơ công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; Điều kiện công nhận địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung; Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở khu vực biên giới; địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh…

Nghị định số 67/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/8/2020.

4. Quy định mới khi chọn Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

Theo đó, ngoài khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư (CĐT) xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT) các cụm công nghiệp khi có hồ sơ đáp ứng theo quy định, Nghị định 66 còn bổ sung thêm:

– Trong quá trình thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn CĐT để chấm điểm (thang điểm 100) cho các tiêu chí:

+ Phương án đầu tư xây dựng HTKT (tối đa 15 điểm);

+ Phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (tối đa 15 điểm);

+ Năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng HTKT (tối đa 40 điểm).

– Nếu có số điểm từ 50 trở lên thì được UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm CĐT xây dựng HTKT.

– Trường hợp dự án xây dựng HTKT cụm cụm công nghiệp theo hình thức đối tác công tư thì lựa chọn CĐT theo quy định của pháp luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

 

5.  Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ Công thương

Theo đó, Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA áp dụng với đối tượng là cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thương nhân. Thông tư là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT và hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Việc cấp C/O mẫu EUR.1 cho hàng hóa xuất khẩu đi EU theo EVFTA được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi do Bộ Công Thương ủy quyền.

Thông tư số 11/2020/TT-BCT được ban hành là điều kiện cần để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế quan ngay những ngày đầu tiên khi EVFTA có hiệu lực.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2020.

6. Cấp biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 58/2020/TT-BCA về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

Theo đó, xe hoạt động kinh doanh vận tải của tổ chức, cá nhân trong nước sẽ có sự thay đổi sau:

– Biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen sê – ri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z (hiện tại biển số nền màu trắng);

– Nếu đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 01/8/2020 thì phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng trước ngày 31/12/2021.

Cũng theo Thông tư này, biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày Thông tư này có hiệu lực, thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021.

  7. Bộ Công thương sửa đổi quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương tại Thông tư 13/2020/TT-BCT ngày 18/6/2020.

Theo đó, Bộ Công thương sửa đổi một số quy định trong một số lĩnh vực:

1. Lĩnh vực kinh doanh thực phẩm: đáng chú ý là việc bãi bỏ quy định về hồ sơ đề nghị và thủ tục, quy trình cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Bổ sung thêm điều kiện để cấp giấy chứng nhậncơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là “Chủ cơ sở xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo Mẫu 01 và Mẫu 02 tại Phụ lục I kèm theo Thông tư” tại Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng bãi bỏ quy định “Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ định các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm của ngành công thương thực hiện việc xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm” tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT- BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014.

2. Lĩnh vực hóa chất: Sửa đổi quy định về giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC-PSF, trong đó yêu cầu cung cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đồng thời không phải cung cấp Bản cam kết sản xuất hóa chất Bảng hoặc hóa chất DOC, DOC-PSF, Bản sao Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường; Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy hoặc Bản sao quyết định phê duyệt phương án chữa cháy …

3. Lĩnh vực kinh doanh khoáng sản: bổ sung thêm quy định về “báo cáo thực hiện xuất khẩu khoáng sản”; sửa đổi phạm vi điều chỉnh hoạt động kinh doanh than, xuất khẩu than…

4. Lĩnh vực điện lực: bãi bỏ quy định “ Đối với điều chỉnh kợp phần Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV”  tại Điều 25 Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 03/8/2020.

Nguyễn Thị Hải Yến