Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2020
Tình hình kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 tuy có suy giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng các nhiệm vụ đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được đảm bảo.
Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 xảy ra và lây lan ra toàn cầu, tác động mạnh đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mặt khác, tình hình thời tiết bất thường, chăn nuôi chưa phục hồi do dịch tả lợn Châu Phi… đã tác động nhiều đến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép” – vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Đồng thời, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 tuy có suy giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng các nhiệm vụ đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được đảm bảo. Cụ thể:
Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh 2010 ước đạt 35,44 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong 3 ngành sản xuất thì chỉ duy nhất ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019, còn lại ngành Công nghiệp – Xây dựng giảm 5,24% (riêng công nghiệp giảm tới 6,59%), các ngành Dịch vụ ước giảm 4,04%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 2,73% so cùng kỳ năm 2019.
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.727 tỷ đồng, bằng 40% dự toán, bằng 84% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước thu 11.940 tỷ đồng, đạt 41 % dự toán và bằng 84% so với cùng kỳ năm 2019.
Kết quả thu hút vốn đầu tư đạt thấp so cùng kỳ năm 2019, trong đó vốn FDI chỉ bằng 32,1%, vốn DDI chỉ bằng 51,5% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,3% nhưng giảm 32,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 3,29 lần (244 doanh nghiệp) so cùng kỳ và số doanh nghiệp giải thể giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019.
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm thực hiện trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường; công tác tái đàn lợn còn gặp nhiều khó khăn; giá một số loại sản phẩm nông sản thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Ước giá trị sản xuất tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân giảm 1,5% (tương đương giảm -822 ha). Công tác tái đàn lợn vẫn gặp khó khăn, nhưng quy mô đàn gia cầm và nhất là đàn bò sữa vẫn tăng mạnh, sản lượng thịt gia cầm, sữa tươi và trứng gia cầm tăng riêng sản lượng thịt lợn hơi giảm 23,6%.
Sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp đã thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào; thiếu hụt nguồn lao động tạm thời; không tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm… Giá trị sản xuất ước giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xe ô tô các loại giảm 24,8%, xe máy các loại giảm 14,4%, gạch ốp lát giảm 22,5%, quần áo giảm 4,56%, doanh thu linh kiện điện tử giảm 5,6%,….
Các lĩnh vực dịch vụ chịu tác động rất mạnh bởi dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước giảm 8,3% so với cùng kỳ. Thời điểm tháng 2, tháng 3 tình trạng khách hủy tour, hủy phòng, hủy dịch vụ số lượng lớn, lượng khách mới đặt dịch vụ giảm mạnh do đó ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 29,7%, doanh thu du lịch lữ hành giảm 38% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu các hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ giảm 25,5% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tăng 2,54% so với cuối năm 2019.
Hoạt động đầu tư xây dựng: Ước giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.763 tỷ đồng/6.624,5 tỷ đồng chỉ bằng 26,6% tổng vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2020.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội được tổ chức thực hiện tốt, phù hợp với điều kiện diễn biến tình hình dịch bệnh. Các trường học thực hiện dạy học từ xa cho học sinh qua Internet và truyền hình trong đợt nghỉ giãn cách xã hội và từ ngày 04/5/2020 học sinh trên địa bàn tỉnh đã đi học trở lại, các nhà trường đang triển khai các hoạt động dạy và học theo kế hoạch. Ngay khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Ngành Y tế đã vào cuộc quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực cho khám, điều trị cho bệnh nhân, áp dụng các phác đồ điều trị hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế… đến nay cả 12/12 bệnh nhân đều được chữa khỏi bệnh, công tác phòng chống dịch và khám chữa bệnh của tỉnh được Trung ương ghi nhận, nhân dân cả nước đánh giá cao. Các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ được tổ chức thực hiện tốt. Tỉnh đã chi hỗ trợ xong cho đối tượng thuộc các nhóm người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hỗ trợ hơn 115,6 tỷ đồng. Các chính sách giảm nghèo, chính sách người có công được triển khai kịp thời. Công tác quốc phòng – an ninh được đảm bảo, lực lượng quân đội và công an tỉnh đã tham gia tích cực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Bộ Công an, UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng, được chính quyền và quần chúng nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Nhằm khắc phục khó khăn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng cuối năm, các cấp, các ngành cần quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Thực hiện tốt Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020.
Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và sớm trước quy định cho doanh nghiệp và người dân. Chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ba là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020.
Bốn là: Rà soát các khoản thu đảm bảo huy động tối đa vào ngân sách nhà nước. Rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tiến độ thu ngân sách và bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch Covid-19, các chính sách an sinh xã hội.
Năm là: Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp đúng khung thời vụ, khuyến khích nông dân gieo trồng tối đa diện tích, chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Khai thác và phát triển hiệu quả thị trường nội địa. Có phương án tổ chức một số sự kiện, hoạt động du lịch quan trọng để tạo hình ảnh, quảng bá, giới thiệu du lịch của tỉnh. .
Sáu là: Chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, kỳ thi tuyển sinh năm học 2020-2021 đảm bảo an toàn, nghiêm túc. Tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch Covid-19, kịp thời có phương án trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc