Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2020
- Chính phủ ban hành Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh 2018.
Theo đó, Nghị định quy định các loại rào cản gia nhập, mở rộng thị trường bao gồm 08 nội dung:
(1) Rào cản pháp lý tạo ra bởi các quy định của pháp luật, chính sách của nhà nước bao gồm các quy định về thuế nhập khẩu và hạn ngạnh nhập khẩu; quy chuẩn kỹ thuật; các điều kiện, thủ tục để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; quy định về sử dụng hàng hóa, dịch vụ; tiêu chuẩn nghề nghiệp và các quyết định hành chính khác của các cơ quan quản lý nhà nước.
(2) Rào cản tài chính bao gồm chi phí đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác của doanh nghiệp.
(3) Chi phí ban đầu khi gia nhập thị trường mà doanh nghiệp không thể thu hồi khi rút khỏi thị trường.
(4) Rào cản đối với việc tiếp cận, nắm giữ nguồn cung, cơ sở hạ tầng thiết yếu để sản xuất, kinh doanh; mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
(5) Tập quán tiêu dùng.
(6) Thông lệ, tập quán kinh doanh.
(7) Rào cản liên quan việc thực hiện quyền của tổ chức, cá nhân đối với trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
(8) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường khác.
Nghị định 35 đã hướng dẫn việc xác định thị trường sản phẩm liên quan (thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả), cụ thể:
+ Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như: Đặc điểm; thành phần; tính chất vật lý; tính năng kỹ thuật; tác dụng phụ của của hang hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng và một số tính chất riêng biệt khác.
+ Hàng hóa được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau;
+ Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5%.
Nghị định này cũng đã giải thích và làm rõ hơn các căn cứ để xác định sức mạnh thị trường đáng kể. Ví dụ, Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được đánh giá căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, số lao động, quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật được đánh giá căn cứ vào ưu thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với đối thủ cạnh tranh.
Nghị định 35/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020.
2. Thêm 4 ngành nghề được ưu đãi đầu tư
Nghị định 37/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/5/2020 đã bổ sung vào danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP về các hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, 04 ngành nghề được bổ sung mới bao gồm:
– Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa;
– Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa;
– Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
– Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
- Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản
(1) Theo đó, hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định bị xử phạt với các mức như sau:
Không đăng ký theo quy định đối với hành vi thăm dò, khai thác nước dưới đất: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng;
Thăm dò nước dưới đất không có giấy phép: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 40.000.000 triệu đồng;
Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng trên 10 m3/ngày đêm đến dưới 30 m3/ngày đêm: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.
(2) Hành vi khai thác cát ngoài phạm vi như phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng … mà không có giấy phép khai thác khoáng sản sẽ bị xử lý như sau:
– Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10 m3;
– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3;
– Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3;…
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 10/5/2020.
- Lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS).
Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Mức ký quỹ là 100 triệu đồng. Thời hạn ký quỹ là 05 năm 06 tháng.
Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi đăng ký thường trú.
Những lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội có nhu cầu vay vốn được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Thời hạn cho vay, việc trả nợ gốc và lãi suất tiền vay do người lao động thỏa thuận với Ngân hàng.
Ngoài ra, Quyết định còn nêu, tiền ký quỹ (cả gốc và lãi) sẽ được hoàn trả trong các trường hợp:
– Người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã thực hiện ký quỹ;
– Người lao động về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động;
– Người lao động chuyển đổi thị thực cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc;
– Người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc theo hợp đồng.
Quyết định được ban hành ngày 31/3/2020 và có hiệu lực từ ngày 15/5/2020.
- Quy định mới về in ấn, quản lý sử dụng tem rượu
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 15/2020/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu, có hiệu lực từ 7/5/2020.
Theo đó, Thông tư số 15/2020/TT-BTC quy định doanh nghiệp thực hiện và chịu trách nhiệm việc dán tem đối với rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu. Trong trường hợp này doanh nghiệp còn phải báo cáo với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu số lượng tem sử dụng trước khi thông quan. Đối với rượu dạng thùng, téc nhập khẩu về đóng chai, doanh nghiệp phải dán tem rượu tại cơ sở đóng chai trước khi đưa ra thị trường.
Cơ quan hải quan thực hiện bán tem rượu nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu rượu khi đến làm thủ tục hải quan. Cơ quan thuế bán tem rượu sản xuất trong nước cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp).
Tổng cục Hải quan thực hiện in, phát hành tem rượu nhập khẩu. Tổng cục Thuế thực hiện in, phát hành tem rượu sản xuất trong nước. Tem sản phẩm rượu nhập khẩu chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép phân phối rượu còn hiệu lực.
Cơ quan hải quan các cấp thực hiện việc cấp, bán tem rượu nhập khẩu phải mở sổ sách theo dõi chi tiết số tem tồn đầu kỳ, số tem nhận, số tem bán cho doanh nghiệp nhập khẩu, số tem mất, hỏng trong kỳ, số tem tồn cuối kỳ và thực hiện báo cáo quý, 6 tháng, năm về tình hình sử dụng tem của đơn vị mình, gửi cơ quan hải quan cấp trên theo quy định.
Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại. Trường hợp nhập khẩu thùng, téc lớn về chiết ra chai hoặc sản xuất rượu thành phẩm thì thùng, téc không phải dán tem.
Ngoài ra, Thông tư số 15/2020/TT-BTC cũng nêu rõ, không phải dán tem trên bao bì sản phẩm là rượu trong 3 trường hợp: Rượu sản xuất thủ công để bán cho các DN có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu; rượu bán thành phẩm nhập khẩu quy định tại Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP; rượu nhập khẩu quy định tại Điều 31 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.
6. Thông tư số 02/2020/TT-NHNN ngày 30/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa
Thông tư quy định các nguyên tắc phải tuân thủ khi thanh toán và nhận thanh toán bằng ngoại tệ đối với giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.
Theo đó, mọi hoạt động thanh toán và nhận thanh toán liên quan đến giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa đều phải thực hiện tại ngân hàng được phép kinh doanh ngoại hối.
Giao dịch chuyển tiền thanh toán cho hợp đồng mua hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu có thể thực hiện trước hoặc sau giao dịch nhận tiền từ hợp đồng bán hàng hóa.
Thương nhân được phép sử dụng ngoại tệ có sẵn trong tài khoản hoặc mua ngoại tệ tại ngân hàng để thanh toán cho hợp đồng mua hàng hóa chuyển khẩu.
Tuy nhiên, việc thanh toán hàng hóa mua vào và nhận thanh toán hàng hóa bán ra của cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu phải thực hiện thống nhất tại một ngân hàng.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2020.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc