Phỏng vấn: “Chính sách Nam tiến mới” (The New Go South Policy) của Bà Thái Anh Văn có thể thành hiện thực?
Với việc thành lập “Văn phòng Chính sách Nam tiến mới” đặt tại Văn phòng dành cho lãnh đạo Đài Loan ở thành phố Đài Bắc cho thấy, bà Thái Anh Văn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hướng tới thị trường Đông Nam Á. Những lãnh đạo nhiệm kỳ trước tại Đài Loan như Ông Lý Đăng Huy và Ông Trần Thủy Biển ít nhiều đều có những động thái chuyển hướng đầu tư sang khu vực Đông Nam Á, nhưng đây là lần đầu tiên lãnh đạo Đài Loan cho thành lập một Văn phòng chuyên trách về vấn đề này.
Chính động thái này đã cho thấy, 8 năm dưới sự lãnh đạo chính quyền của Quốc Dân Đảng – thời kì kinh tế Đài Loan phải phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc Đại lục sẽ có những chuyển biến mới, Chính quyền mới của Bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh tính độc lập trong chính sách Nam tiến: “Đông Nam Á là thị trường kinh tế mới nổi mà chúng ta không thể từ bỏ và cũng không thể thay thế cho thị trường Đại lục”.
Đối với “Chính sách Nam tiến mới” của Bà Thái Anh Văn giới doanh nghiệp và chuyên gia Đài Loan có cách nhìn như thế nào? BBC đã có buổi phóng vấn Ông Tạ Minh Huy – Chủ tịch Hiệp hội Thương gia Đài Loan, người đã có hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Để thấy góc nhìn và lắng nghe ý kiến của giới chuyên gia học giả về chính sách mới này.
Mong chờ nhưng cần phải đồng bộ
Ông Tạ Minh Huy, Chủ tịch Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam nhận lời phỏng vấn của phóng viên đài BBC cho biết, nếu như chính quyền mới của Bà Thái Anh Văn muốn toàn lực thực hiện “chính sách Nam tiến mới” thì trước hết cần giải quyết vấn đề “chính sách” và “nhân tài”. “Phải thông thạo tiếng Trung, tiếng Việt Nam, đồng thời phải có sự hiểu biết nhất định về chính sách pháp luật, bên cạnh đó là cần có đãi ngộ tốt, nhưng những người đáp ứng được những yêu cầu trên không nhiều”. Theo ông Tạ Minh Huy thì bồi dưỡng nhân tài là yếu tố tiên quyết khi thực thi chính sách này, ông cho rằng sự hợp tác giáo dục giữa chính phủ Việt Nam và Đài Loan vô cùng quan trọng. “Thu hút những phần tử tinh anh của Việt Nam đến học tập tại Đài Loan, thậm chí có thể thực hiện chính sách vừa học vừa làm”, điều này cũng có thể giải quyết được vấn đề khan hiếm sinh viên y tế trong thời gian dài vừa qua tại Đài Loan
Đến khi du học sinh quay trở về phục vụ đất nước, những doanh nghiệp Đài Loan có thể tuyển dụng đội ngũ chất lượng cao này, thực ra chính phủ Trung Quốc hiện tại cũng đang thực hiện chính sách tương tự như vậy. Đồng thời, Đài Loan cũng có rất nhiều cặp vợ chồng “chồng Đài – vợ Việt”, thế hệ sau của họ cũng nằm trong mục tiêu “phát triển về phía Nam” của Đài Loan.
Ông Tạ Minh Huy cũng cho biết, hiện nay Việt Nam đang trong thời kỳ kinh tế phát tiển nhanh chóng, vững mạnh, vì thế những chính sách về đầu tư cũng trở nên nghiêm ngặt hơn. Ông cũng kiến nghị Chính quyền mới trước hết nên ký kết với các nước Đông Nam Á những cam kết chính thức về đầu tư, cần nhanh chóng thực hiện những đàm phán như TPP và RCEP, chỉ có như vậy mới đủ động lực thúc đẩy “chính sách Nam tiến mới” của Đài Loan.
Có thể từ bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc?
Đài Loan 8 năm dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu đã thực thi chính sách thân Trung Quốc, nền kinh tế Đài Loan chịu ảnh hưởng rất lớn từ cục diện kinh tế Đại lục, nhưng lần này, chính quyền dưới sự lãnh đạo của Bà Thái Anh Văn dường như muốn thoát khỏi quan hệ mật thiết với nền kinh tế Đại lục.
Ông Tạ Minh Huy cho biết, danh hiệu “công xưởng thế giới” của Trung Quốc đang dần dần bị các nước Đông Nam Á tiếm ngôi, nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển vượt bậc, giá nhân công và chi phí nhà xưởng không ngừng tăng cao. “Thật ra cũng có không ít doanh nghiệp Trung Quốc Đại lục chuyển sang đầu tư tại Việt nam, chúng tôi cũng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt”. Nhìn về tương lai xa, kinh tế sẽ dần dần chuyển trọng tâm từ Trung Quốc Đại lục sang các nước Đông Nam Á.
Ông Tạ Minh Huy cũng đưa ra luận điểm “thời kỳ vàng 30 năm”, chúng ta có thể hiểu “thời kỳ vàng 30 năm” có nghĩa là mỗi một thị trường mới nổi sẽ có 30 năm hoạt động kinh tế diễn ra sôi nổi. Những nước có “Thời kỳ vàng” sớm nhất là Nhật Bản, Đài Loan, tiếp sau đó là Trung Quốc Đại lục, tiếp nữa là các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc Đại lục nổi lên vào những năm đầu 90 của thế kỷ 20 và đến năm 2020 sẽ là giai đoạn bão hòa, Đông Nam Á nổi lên vào sau năm 2000 và vẫn còn khoảng 15 năm nữa trong “thời kỳ vàng”.
Hiện tại, đối với các quốc gia Đông Nam Á thì chỉ cần “có thể tăng thu thuế và phát triển thị trường việc làm, đương nhiên sẽ được chào đón”. Nhưng ngược lại, các nước Đông Nam Á cũng cần suy nghĩ tới việc bảo vệ môi trường và sự cạnh tranh giữa lao động bản địa và nước ngoài, tránh dẫn đến “chủ nghĩa bài Hoa”, “dù sao thì cũng có sự bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa” ông Tạ Minh Huy cho biết.
Từ cái nhìn không thiện cảm tiến tới hợp tác?
Văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc đối với “quan điểm kinh tế Nam tiến” có cái nhìn “không lạc quan và thiện cảm”, ông Hoàng Chí Phương – Chánh văn phòng“Văn phòng Chính sách Nam tiến mới” cho rằng, Đại lục đang dùng “ngôn ngữ chính trị” để lý giải “chính sách Nam tiến mới”, hy vọng Trung Quốc Đại lục có thể dùng “ngôn ngữ Kinh tế – Công nghiệp” để nhìn nhận.
Ông Hoàng Chí Phương cho biết, Đài Loan sẽ không hoàn toàn từ bỏ thị trường Đại lục, hiện tại các quốc gia Asean đang là thị trường kinh tế mới nổi, dù là quốc gia nào cũng đều muốn đầu tư vào. Bà Thái Anh Văn sẽ tiếp tục quan hệ hữu hảo giữa hai bờ, nhưng tiến vào đầu tư tại Đông Nam Á là xu thế mới, thậm chí từ xu thế này có thể có rất nhiều cơ hội hợp tác với Đại lục.
Một vài ngày trước, kí giả của BBC cũng đã tham dự hội thảo của Viện nghiên cứu chính sách Đài Loan. Thảo luận về “Chính sách Nam tiến mới”, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Đài Loan – Ông Lại Di Trung cho biết, Đài Loan chắc chắn sẽ duy trì hợp tác kinh tế với Đại lục, “chính sách Nam tiến mới” không có nghĩa là từ bỏ thị trường Đại lục. Ông dẫn chứng từ lời phát biểu của bà Thái Anh Văn, ngoài việc phát triển đa phương diện với Đông Nam Á, Đài Loan cũng sẽ tiến hành trao đổi, đối thoại về kinh tế với Đại lục.
Ông Lại Di Trung cho rằng, Đài Loan và Đại lục có thể cùng nhau hợp tác phát triển tại Đông Nam Á, “Đại lục có thế mạnh về nguồn vốn, thực lực cũng như cơ sở hạ tầng, Đài Loan có thể cung cấp Công nghệ và kinh nghiệp phát triển công nghiệp”, ông cũng cho rằng hai bờ không chỉ có sự cạnh tranh nhau, mà nên có sự hỗ trợ bổ sung cho nhau.
Ông Ngô Vinh Nghĩa – Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Đài Loan cho biết, Đại lục có tham vọng rất lớn vào thị trường Đông Nam Á và Trung Đông, nhưng ưu thế của hai bờ không giống nhau, Đài Loan đang không ngừng cải thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đối với thị trường Đông Nam Á, và điều này chính là lợi thế của Đài Loan.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc