Kinh tế thế giới năm 2016 được dự báo tăng không đồng đều
Tạp chí Challenges của Pháp số ra mới đây có bài “Dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2016” của tác giả Patrick Artus, với nội dung như sau: Tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2016 được dự báo có nhiều cung bậc khác nhau tùy vào khu vực địa lý cũng như cấu trúc kinh tế của từng quốc gia hoặc từng nhóm quốc gia.
Nhìn chung, thế giới đang thiên về xu hướng trở thành một nền kinh tế dịch vụ và chính các lĩnh vực dịch vụ sẽ tạo ra tăng trưởng nhiều hơn là công nghiệp.
Đầu tiên là ba nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang ở vào cuối chu kỳ mở rộng sau sáu năm. Người ta có thể nhận thấy điều này thông qua các cuộc thăm dò, khảo sát điều tra cùng với dự định đầu tư suy giảm của các doanh nghiệp, tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất thấp hơn, sự suy giảm năng suất…, dẫn đến lợi nhuận thấp hơn; số nợ tại các doanh nghiệp, công ty tăng, tình hình mua trái phiếu doanh nghiệp…, cho thấy những dấu hiệu các doanh nghiệp, công ty không có nhiều các dự án đầu tư có lợi nhuận cao.
Như vậy, có thể thấy dự báo là tăng trưởng của Mỹ đang chậm lại dù chưa đến thời kỳ gọi là “suy thoái” và nền kinh tế nước này sẽ chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng dưới 2% trong năm 2016.
Tại Trung Quốc, giới quan sát cho rằng nhịp độ tăng trưởng chính thức của nước này khác với tình hình với thực tế. Trung Quốc thông báo sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6,5 % đến 7% trong vòng 5 năm tới, trong khi giới phân tích và dư luận cho rằng tăng trưởng trên thực tế của Trung Quốc là thấp hơn nhiều và chỉ vào khoảng từ 3% đến dưới 5% trong năm 2016, trong bối cảnh nước này đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn về kinh tế: chẳng hạn như nhu cầu đối với các ngành sản xuất công nghiệp sụt giảm, chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao, chi phí nhân công cao… Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu tích cực cho Trung Quốc trong năm 2016 nhờ gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính phủ có thể đem đến 1% cho tăng trưởng GDP. Ngoài ra, các chương trình kích thích kinh tế cũng đã đạt được những kết quả tích cực.
Nhìn sang Nhật Bản, tình hình kinh tế nước này vẫn chưa có dấu hiệu khá hơn với tiền lương cho lao động tiếp tục giảm. Hồi tháng 12/2015, Chính phủ Nhật Bản loan báo tiếp tục mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Nhiều doanh nghiệp lớn của “xứ hoa anh đào” như Sony, Toshiba, Sharp…, vẫn đang gặp những khó khăn lớn và bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ của Hàn Quốc.
Năm 2016 tiếp tục là năm khó khăn đối với các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu đầu vào hay xuất khẩu nguyên liệu thô, nhất là đối với các nhà sản xuất dầu. Giá dầu và khí đốt được dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới do nhu cầu thế giới không tăng trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lại nói “không” với kế hoạch cắt giảm nguồn cung. Thậm chí có ý kiến cho rằng giá dầu có thể lùi về mức 20 USD/thùng. Ngoài ra, thép và các mặt hàng kim loại cho công nghiệp nặng cũng được dự báo giảm do nhu cầu thấp trên thị trường thế giới. Điều này tác động lớn đến các quốc gia sản xuất thép như Trung Quốc, Canada, Australia, Mexico và Colombia.
Các nước mới nổi được dự báo có nhịp độ tăng trưởng rất khác nhau, từ -4,5% ở Brazil đến 7,5% ở Ấn Độ. Tình hình kinh tế tại Ấn Độ thực sự rất khả quan. Do là nước nhập khẩu nhiều dầu nên Ấn Độ hưởng lợi rất lớn từ việc giá dầu thấp. Ngoài ra, các ngành dịch vụ tại Ấn Độ vẫn đang bùng nổ, lạm phát giảm đã khiến sức mua của người tiêu dùng tăng…
Các nước Trung Âu, khu vực Nam Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Pakistan cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn. Trong khi đó, các nước như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi sẽ tiếp tục trải qua nhiều khó khăn trong đó có việc thiếu lao động lành nghề, hạ tầng, vận tải…
Trong khi đối với Nga, “xứ sở Bạch dương” vẫn sẽ đối mặt với khó khăn trong năm 2016 nhưng không có dấu hiệu hoảng loạn và kinh tế đã có những dầu hiệu cải thiện chút ít.
Trong năm 2015, người Nga đã chuyển một lượng lớn tiền họ có sang đồng USD do lo ngại đồng rúp tiếp tục mất giá và lạm phát tăng phi mã. Tuy vậy, có thể sự hoảng loạn đã qua, điều tồi tệ nhất cũng đã đến và sự tự tin trong các ngân hàng có vẻ đang trở lại, dòng chảy của vốn ra nước ngoài đã ít đi và niềm hy vọng về sự ổn định tiền tệ cũng đã tới. Vì thế, người Nga có thể hy vọng đặt dấu chấm hết đối với quãng thời gian tăng trưởng kinh tế ở mức -4%/năm để lạc quan hơn dù tăng trưởng có thể chỉ quanh mức -1% trong năm tới. Nhưng như vậy, nước Nga vẫn tiếp tục trong thời kỳ suy thoái!
Đối với Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), triển vọng được dự báo rất lạc quan với các chỉ số đều tích cực từ xu hướng đầu tư, triển vọng sản xuất, việc làm…. Những chỉ dấu tích cực sẽ tạo điều kiện cho Eurozone có một mức tăng trưởng khả quan trong năm 2016 với dự báo khoảng 1,5%. Tăng trưởng kinh tế tại Vương quốc Anh được dự báo tiếp tục ở mức thấp và cũng đang ở cuối chu kỳ bùng nổ tương tự như tại Mỹ. Đáng chú ý là thị trường bất động sản tại nước Anh sẽ có sự chững lại sau nhiều năm phát triển bùng nổ.
Nhìn chung, trong năm 2016, các khu vực trên thế giới sẽ có mức tăng trưởng kinh tế hết sức khác nhau với xu hướng thế giới đang nghiêng về một nền kinh tế dịch vụ. Từ Mỹ, châu Phi hay Ấn Độ, không phải những ngành công nghiệp tạo ra tăng trưởng mà là dịch vụ. Thế giới cũng sẽ chứng kiến một sự suy giảm trong thương mại quốc tế (thương mại phi năng lượng đã giảm tới 12% trong năm qua, trong khi nhiều năm trước đó đều đạt mức tăng khoảng 20%). Chính vì vậy, các quốc gia có mô hình tăng trưởng liên quan đến xuất khẩu sẽ gặp bất lợi (Nhật Bản, Bắc Âu, Australia, Hàn Quốc, và trong tương lai gần có thể cả Đức)./.
Các tin khác:
- Hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh tiếp Đoàn công tác của tỉnh Tochigi, Nhật Bản
- Vĩnh Phúc ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH group PTE LTD tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam – Singapore lần thứ 17
- UBND huyện Yên Lạc: Thông tin các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán
- Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc