Thứ Bảy, 31/10/2015 16:11:57 (GMT+7)

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2015

Nghị định về kinh doanh bất động sản, về đầu tư công, đăng ký doanh nghiệp, giám sát dự án đầu tư, miễn thị thực… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2015.

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2015

Quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản

Tại Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực 1/11/2015. Chính phủ khẳng định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng, trước đây là 6 tỷ đồng (trừ trường hợp kinh doanh dịch vụ bất động sản hoặc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên).

Những doanh nghiệp bất động sản chưa có đủ vốn pháp định được tiếp tục hoạt động, nhưng phải bổ sung đủ vốn trước ngày 1/7/2016.

Một nội dung nổi bật khác là quy định cho phép tổ chức, cá nhân chưa nộp hồ sơ cấp “Sổ đỏ” được chuyển nhượng tiếp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Với các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản, chuyển nhượng dự án, các văn bản chuyển nhượng hợp đồng đã ký kết trước ngày 1/11/2015, được tiếp tục thực hiện mà không phải ký lại theo các hợp đồng.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm

Theo đó, hồ sơ đề nghị thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn gồm: Tờ trình cấp có thẩm quyền về kế hoạch đầu tư công trung hạn; Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn theo nội dung quy định tại Điều 5 của Nghị định này; Báo cáo thẩm định trong nội bộ của cơ quan, đơn vị; Quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các chương trình, dự án mới; Ý kiến của Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp đối với dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định tại Nghị định này; Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

Nghị định 77/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2015.

Rút ngắn thời gian cấp GCNĐKDN còn 3 ngày

Đó là quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (DN).

Cụ thể: Giảm thời hạn cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký DN, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký DN của Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) từ 05 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên DN yêu cầu đăng ký không đúng quy định, Phòng ĐKKD phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập DN hoặc DN trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Phòng ĐKKD ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký DN đối với mỗi một bộ hồ sơ do DN nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký DN.

Người thành lập DN hoặc DN có quyền khiếu nại theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo nếu quá thời hạn nêu trên mà: Không được cấp GCN đăng ký DN, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký DN.Không được thay đổi nội dung đăng ký DN trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN. Không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký DN.

Nghị định 78/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2015.

Giám sát và đánh giá đầu tư

Có hiệu lực từ 20/11/2015, Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư quy định cụ thể các nội dung về: các chủ thể thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư; nguyên tắc giám sát, đánh giá đầu tư; giám sát và đánh giá chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; giám sát và đánh giá dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; giám sát và đánh giá dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác;

Giám sát và đánh giá dự án đầu tư ra nước ngoài; giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư; giám sát đầu tư của cộng đồng; chi phí thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư; điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư; tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư và các điều khoản thi hành.

Được mua hàng miễn thuế trên chuyến bay đến Việt Nam

Theo Quyết định 39/2015/QĐ-TTg, từ ngày 01/11/2015, hành khách trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam mua hàng miễn thuế phải xuất trình hộ chiếu, thẻ lên tàu bay – Boarding pass.

Tiếp viên hàng không phải ghi đầy đủ thông tin: Tên khách mua hàng, số hộ chiếu, số chuyến bay, số ghế.

Đoàn tiếp viên phải tổng hợp chứng từ, ghi chép các thông tin liên quan đến khách mua hàng miễn thuế và bàn giao cho doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế.

Doanh nghiệp này phải nhập dữ liệu liên quan đến việc bán hàng của chuyến bay vào hệ thống phần mềm quản lý nối mạng với cơ quan Hải quan ngay sau khi tàu bay hoàn thành thủ tục nhập cảnh.

Đồng thời, người nhập cảnh, hành khách trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam được mua hàng miễn thuế theo định mức hành lý miễn thuế quy định tại Quyết định 31/2015/QĐ-TTg .

Xem chi tiết tại Quyết định 39/2015/QĐ-TTg sửa đổi Quy chế kinh doanh bán hàng miễn thuế kèm theo Quyết định 24/2009/QĐ-TTg và Quyết định 44/2013/QĐ-TTg .

Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Theo Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015 quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư  ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam có hiệu lực từ 15/11/2015, người Việt Nam định cư  ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam muốn được miễn thị thực phải đảm bảo các điều kiện như:

Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị ít nhất 1 năm; có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam.

Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh và tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 21 và Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nhiều chính sách cho lao động nữ

Có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ gồm: Đại diện của lao động nữ; quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.

Bổ sung quy định xử phạt trong lĩnh vực lao động

Nghị  định 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ 25/11/2015.

Theo đó, phạt tiền từ 45 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc giấy phép hết hạn.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp bị buộc phải trả lại người lao động khoản phí dịch vụ việc làm đã thu cao hơn mức quy định đối với hành vi vi phạm.

Trường hợp vi phạm về tuyển, quản lý lao động thì mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng. Mức phạt cao nhất là 10 triệu đồng áp dụng với hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động.

Vi phạm về quy định giao kết hợp đồng lao động không đúng với quy định của pháp luật, mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 25 triệu đồng.

Vi phạm trong lĩnh vực dạy nghề, phạt tới 150 triệu

Quy định này được đề cập tại Nghị định 79/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Có hiệu lực từ ngày 1/11/2015, Nghị định số 79 của Chính phủ quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Trong đó, mức phạt cao nhất 80-100 triệu đồng đối với trường cao đẳng thành lập cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Các cấp cơ sở khác như trung tâm giáo dục nghề, trung cấp sẽ bị phạt từ 40 đến 80 triệu đồng với vi phạm này.

Làm giả văn bằng, chứng chỉ phạt đến 20 triệu đồng, theo đó, vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp sẽ bị xử phạt tiền theo các mức sau: Từ 1 – 3 triệu đồng với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở chính, phân hiệu, cơ sở đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Từ 3 – 5 triệu đồng với hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; Từ 5 – 7 triệu đồng với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS); Từ 7 – 10 triệu đồng với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức bị truy cứu TNHS; Từ 10 – 20 triệu đồng với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ mà chưa đến mức bị truy cứu TNHS.

Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng

Có hiệu lực từ 1/1/2016, Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, gồm: Hỗ trợ chi phí đào tạo; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Đối tượng áp dụng là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Công bố định kỳ thông tin của doanh nghiệp nhà nước

Từ ngày 05/11/2015, Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có hiệu lực.

Theo đó, việc công bố báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN được quy định như sau:

DN phải xây dựng báo cáo theo các nội dung quy định tại Phụ lục VIII kèm theo Nghị định này.

DN công bố trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của DN, đồng thời gửi báo cáo đến cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch Đầu tư để công bố theo quy định không muộn hơn ngày 20/6 của năm liền sau năm báo cáo.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải công bố báo cáo trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của DN.

Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố báo cáo trên cổng thông tin DN của Bộ (http://www.business.gov.vn) trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận được báo cáo của DN.

Nghị định 81/2015/NĐ-CP thay thế Quyết định 36/2014/QĐ-TTg.  

Vân Anh – IPA Vinh Phuc (Tổng hợp)