Thứ Ba, 12/05/2015 9:10:11 (GMT+7)

Nhà đầu tư cần giữ chữ tín

Sự bất cẩn trong xử lý ô nhiễm môi trường của một số chủ đầu tư đã và đang gây hệ quả xấu tại nhiều địa phương nơi đặt dự án.

Nhà đầu tư cần giữ chữ tín

Tiếp sau vụ người dân huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phản đối gay gắt hành vi gây ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, mới đây nhất là việc người nông dân ở Cát Lái (Mỹ Lợi, TP.HCM) vô cùng bức xúc, lo ngại trước hiện tượng ngón chân bị đen, ngứa ngáy sau khi lội ruộng tại khu vực này. Trước đó, là vụ người dân thôn 7A, xã Điện Nam Đông (Điện Bàn, Quảng Nam) phản đối Nhà máy Việt – Pháp tại Khu công nghiệp Thương Tín 1 sản xuất gây ô nhiễm môi trường…

Hành động nêu trên của người dân, suy cho cùng, là sự bức xúc bị dồn nén quá lâu. Đúng như nhận xét của ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, người dân bức xúc vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm là đúng, bởi chủ đầu tư Nhà máy đã không thực hiện tốt cam kết về bảo vệ môi trường, làm dân mất lòng tin, doanh nghiệp mất chữ tín. Chữ tín mà ông Phương đề cập ở đây chính là những lời hứa, những cam kết đảm bảo an toàn môi trường sống giữa chủ đầu tư với người dân vùng dự án.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – chủ đầu tư Nhà máy Vĩnh Tân 2 đã xin lỗi người dân vùng dự án và lý giải nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là do điều kiện khách quan. Song qua vụ việc này, có thể thấy, việc thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người dân địa phương là vấn đề cần được các chủ đầu tư đặc biệt quan tâm. Trách nhiệm xã hội ở đây không chỉ là giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất… mà quan trọng là phải đảm bảo môi trường sống, đảm bảo phát triển bền vững tại địa phương nơi triển khai dự án.

Lâu nay, nhiều chủ đầu tư thường đặt nặng vấn đề lợi nhuận, lao động, việc làm mà xem nhẹ bảo vệ môi trường. Dường như họ quá phụ thuộc vào các báo cáo đánh giá tác động môi trường, vào sự tư vấn của các công ty, chuyên gia bảo vệ môi trường. Thậm chí, tại không ít dự án, chủ đầu tư vì tiếc chi phí nên chi rất ít cho công tác bảo vệ môi trường hoặc làm đối phó, qua loa.

Trên thực tế, trong hồ sơ các dự án lớn (như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2) cùng dự án nhỏ (như xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp) luôn phải nêu kèm giải pháp xử lý chất thải có thể gây ô nhiễm môi trường. Với dự án quy mô lớn, báo cáo đánh giá tác động môi trường được xem là điều kiện tiên quyết để dự án đó có được phê duyệt hay không. Song bằng nhiều cách, một lượng không nhỏ dự án, nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn “lọt cửa”, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi đi vào hoạt động, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong vùng.

Thật đáng tiếc khi nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp vẫn đang phớt lờ trách nhiệm xã hội, chỉ chú trọng đến lợi ích riêng, coi chuyện đảm bảo môi trường sống là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp này khó có thể biện giải hành vi gây ô nhiễm môi trường bằng những nguyên nhân khách quan, mà cốt lõi đều liên quan đến chi phí, lợi nhuận.

Vụ Vĩnh Tân 2 cho chúng ta nhiều bài học khi người dân phải tự đặt mình vào thế đối lập với chính quyền và doanh nghiệp. Với chính quyền địa phương, việc thúc đẩy phát triển kinh tế rất quan trọng, việc đảm bảo doanh nghiệp hoạt động có lãi cũng quan trọng không kém. Song phải ý thức được rằng, cuộc sống, mạng sống của người dân là quan trọng hơn tất thảy.

Nếu những dự án, nhà máy, cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại ngay từ đầu và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn, bảo vệ môi trường, thì chắc chắn, sẽ không xảy ra sự cố như ở Bình Thuận. Vì vậy, cân bằng lợi ích của Nhà nước, địa phương, của người dân và lợi ích riêng là trách nhiệm của chủ đầu tư khi triển khai dự án cho dù dự án đó được đặt ở bất kỳ địa điểm nào. Khi đó, chủ đầu tư mới được người dân, chính quyền địa phương, các bộ ngành ủng hộ và dự án mới thực sự mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội.

Theo Hữu Tuấn - Báo Đầu tư