Hiệp định VKFTA: Cơ hội và thách thức
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) vừa ký kết được đánh giá sẽ đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít thách thức cần những nỗ lực lớn để vượt qua nhanh chóng và triệt để.
Hiệp định này thể hiện sự cải thiện cam kết theo chiều sâu của Hàn Quốc với Việt Nam so với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc. Hiệp định sẽ loại bỏ hơn 90% dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất-nhập khẩu giữa hai quốc gia. Các lĩnh vực kinh doanh được hưởng ưu đãi của Hàn Quốc là ô tô, hàng điện tử, dệt may; các loại sản phẩm được hưởng ưu đãi gồm chất dẻo, sắt thép, cáp điện, đồ điện gia dụng, xe cộ từ 2.500 phân khối trở lên.
Các mặt hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi gồm hoa quả nhiệt đới, tỏi, gừng, thịt lợn, mật ong và tinh bột ngọt khoai tây. Hiệp định còn đưa ra các quy định điều chỉnh thủ tục hải quan, tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ, vệ sinh và an toàn thực phẩm và quy tắc xuất xứ. Các rào cản thương mại điện tử và quy định pháp luật cũng bị loại bỏ.
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba và đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam trong 23 năm kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao. Hàn Quốc cũng thuộc vào nhóm 3 nước có lượng du khách đến Việt Nam lớn nhất. Đây cũng là một trong những đối tác cung cấp lớn nhất ODA cho Việt Nam (khoảng 21 tỷ USD). Hiệp định đặt mục tiêu tăng gấp đôi tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia lên 70 tỷ USD vào năm 2020, nghĩa là tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm.
Nhiều cơ hội
Hiệp định là khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho sự bổ sung các thế mạnh của hai nền kinh tế, thúc đẩy quá trình nghiên cứu, đánh giá thế mạnh để khai thác tối ưu.
Hiệp định được ký kết khẳng định Việt Nam không chỉ chủ động mà còn tích cực hội nhập quốc tế. Lòng tin của đối tác nước ngoài đối với chính sách đổi mới và việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam tăng lên.
Mặc dù trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam thấp hơn so với Hàn Quốc nhưng việc ký kết Hiệp định thể hiện quyết tâm cao của cả hai bên, nhất là phía Việt Nam, chuyển từ thế bất lợi tuyệt đối sang thu lợi thế so sánh.
Đây là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu sắc hơn vào các quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế để các quan hệ thương mại, từ mức độ thông thường lên mức độ đối tác thương mại và đối tác thương mại chiến lược.
Các cơ hội cụ thể cũng xuất hiện từ Hiệp định này như việc hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường Hàn Quốc với những tiêu chuẩn mới về vệ sinh, an toàn, xuất xứ, bao bì, đóng gói… khá chặt chẽ. Các DN Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hàn Quốc và điều đó, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới theo chuỗi “cơ hội làm xuất hiện cơ hội”, nhất là cơ hội liên doanh, liên kết với đối tác Hàn Quốc vốn có tính thân thiện cao. Các DN Việt Nam sẽ quyết liệt hơn trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, thay đổi thói quen kinh doanh để thích nghi với thị trường mới.
Hàn Quốc đang bộc lộ là một cường quốc công nghệ với nhiều công nghệ mới dựa trên nền tảng của sự sáng tạo. Do đó, các DN Việt Nam có thể tranh thủ học hỏi, tiếp cận dần với công nghệ cao để tránh bị lạc hậu và tụt hậu, từng bước thu hẹp khoảng cách công nghệ khá lớn giữa hai quốc gia.
Quá trình cùng kinh doanh với đối tác Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện để lao động Việt Nam học tập, rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động nâng cao năng suất lao động.
Thể chế thương mại và đầu tư của Việt Nam có cơ hội để hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi kinh doanh, tăng tính minh bạch và công bằng để các DN Việt đầu tư sang Hàn Quốc sẽ được đối xử thuận lợi.
Ngoài ra, phát triển mạnh quan hệ thương mại và đầu tư với Hàn Quốc góp phần giảm bớt sự lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nào đó, giảm bớt nguy cơ gặp rủi ro trong điều kiện thế giới có sự biến động khó lường.
Nhưng không ít thách thức
Phải khẳng định rằng cạnh tranh của hàng hóa và DN Hàn Quốc ở Việt Nam sau khi Hiệp định có hiệu lực sẽ gay gắt hơn. Hàn Quốc có lợi thế hơn hẳn Việt Nam về công nghệ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, năng lực quản lý.
Các DN Hàn Quốc cũng có nhiều kinh nghiệm trên thị trường Việt Nam, hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam nên có khả năng thích nghi nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Điều này cùng với những điểm yếu như chậm đổi mới công nghệ, năng lực quản trị có hiệu quả thấp của DN Việt Nam sẽ tạo ra nguy cơ mất thị trường, phải thu hẹp quy mô thậm chí bị loại khỏi thị trường, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa.
Ngoài ra, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không được đưa vào danh mục giảm thuế của Hiệp định sẽ gây khó khăn cho nông dân Việt Nam, dễ đẩy Việt Nam rơi vào trạng thái thâm hụt thương mại với Hàn Quốc kéo dài.
Bên cạnh đó, thách thức trong xu hướng tự do hóa thương mại thể hiện ở việc nhiều đối tác đến từ các nước khác nhau cũng tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ làm tăng tính đa chiều của cạnh tranh, tạo ra một mức độ đào thải cao đối với DN trong nước, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, các cơ quan quản lý sẽ đứng trước thách thức phải quản lý những đối tác có nhiều kinh nghiệm và khả năng thích nghi cao ở Việt Nam. Do đó, nếu hệ thống quản lý hành chính hiện tại không kịp thời đổi mới có thể trở nên kém hiệu quả, không đáp ứng được các cam kết về tạo điều kiện cho giao dịch hay cung ứng dịch vụ công.
Cần nhiều nỗ lực để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức
Để triệt để tiếp nhận cơ hội và vượt qua thách thức do Hiệp định ký kết cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và DN. Chính sách và môi trường kinh tế vĩ mô cần ổn định, minh bạch, thông thoáng và phù hợp với thông lệ quốc tế để DN thích nghi từng bước trước khi tham gia kinh doanh hoặc đầu tư sang Hàn Quốc.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ DN cần thực hiện phù hợp với từng đối tượng ở thời điểm phù hợp. Các loại thủ tục hành chính nên được đơn giản hóa theo hướng tạo thuận lợi cho DN.
Đối với DN Việt Nam, cần có chiến lược phát triển quan hệ lâu dài với đối tác Hàn Quốc thông qua việc học hỏi các đối tác Hàn Quốc tại Việt Nam. DN Việt cần coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng chất lượng dịch vụ; cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường Hàn Quốc theo khu vực, các vấn đề về đối tác, hộ gia đình, dân cư, văn hóa… để có chiến lược thâm nhập phù hợp.
Các DN nên liên kết với nhau và có giải pháp tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng phân phối của các DN Hàn Quốc để tận dụng những thế mạnh về thị trường, thương hiệu, cách thức tổ chức, quản lý, kinh nghiệm phát triển trong cạnh tranh để vừa tận dụng cơ hội, vừa vượt qua thách thức nhanh chóng và hiệu quả khi hiệu lực thực hiện của Hiệp định đang đến gần. DN cần rèn luyện năng lực dự báo và thích ứng cao với rủi ro và sự bất định trong điều kiện tự do hóa thương mại ngày càng triệt để.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt