Thứ Năm, 23/04/2015 8:00:39 (GMT+7)

DN Việt cần tăng cường nhận thức về văn hoá

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn thiếu nhận thức đầy đủ về văn hóa trong kinh doanh.

DN Việt cần tăng cường nhận thức về văn hoá

Ảnh VGP/Phan Trang

Đây là ý kiến nhận được nhiều đồng tình tại Hội thảo khoa học “Xây dựng văn hóa DN theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 22/4.

Thực tế, nhiều DN từ khâu chuẩn bị bắt tay vào công việc đến khi có khách hàng và thực hiện cam kết thì hiệu quả không cao, không tạo dựng được tín nhiệm với bạn hàng. Thậm chí, có DN làm ăn gian dối chỉ nhìn thấy lợi ích trước mặt, hậu quả là khi bị phát hiện đã đánh mất thị trường.

ThS Trần Đức Dũng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) chia sẻ: Không khí, môi trường làm việc của nhiều DN chưa thực sự chuyên nghiệp; tinh thần trách nhiệm thực thi các nội quy, nguyên tắc còn rất hạn chế.

“Bản thân DN có nhiều thói quen xấu khó bỏ trong công việc, đó là không giữ, không tôn trọng lời hứa, không đúng giờ, thời gian làm việc thì co kéo… Đây sẽ là những thách thức đối với DN khi gặp những đối tác lớn”, ông Trần Đức Dũng nhận định.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, văn hoá DN đang là nhân tố quan trọng, vì đó chính là sức mạnh, là tài sản vô hình, là chất keo kết dính các thành viên trong DN, thúc đẩy họ nỗ lực, sáng tạo, đóng góp vào sự tăng trưởng của DN.

“Để DN phát triển nhanh và bền vững, ngoài việc chú trọng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ cũng như tối đa hoá lợi nhuận, điều cốt yếu là phải xây dựng cho được văn hoá DN”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhận định.

Qua đó, có thể thấy, văn hóa DN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, các nước đối tác của ASEAN+6…

Theo các chuyên gia, mục tiêu của những cam kết này là hướng tới hiệu quả trong kinh doanh và sự thành công của cộng đồng DN. Do vậy, nếu không tận dụng tốt DN sẽ thua ngay trên sân nhà.

Theo Phan Trang - Báo điện tử Chính phủ