Thứ Tư, 01/04/2015 8:44:49 (GMT+7)

DN hỏi thẳng chuyện đấu thầu, Bộ trưởng xử lý nóng

Đối thoại với DN sáng 30/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chỉ đạo xử lý ngay các trường hợp tổ chức đấu thầu “phân biệt đối xử” DN trong nước.

DN hỏi thẳng chuyện đấu thầu, Bộ trưởng xử lý nóng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi QuangVinh trực tiếp trả lời, xử lý nhiều vấn đề được DN nêu lên trong buổi đối thoại ngày 30/3. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Thẳng thắn và cởi mở trước đại diện khoảng 150 DN trong và ngoài nước, người đứng đầu ngành KH&ĐT cho rằng minh bạch đang là đòi hỏi sống còn với nền kinh tế Việt Nam.

“Có DN châu Âu nói với tôi, muốn mua bán gì với DN Việt Nam cũng phải có “hoa hồng”, nên họ không thể tiếp cận được thị trường. Mua cũng gửi giá, bán cũng phải gửi giá. Họ không thể làm thế vì vi phạm pháp luật, nhưng ở nước ta, chuyện đó lại không hiếm gặp và cản trở không chỉ hoạt động đầu tư mà cả trong thương mại nữa”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ thế này, Sở lại khác thì không phát triển được

Đại diện Công ty CP Sáng Ban Mai (tỉnh Bình Dương) cho biết sản phẩm cơ điện của Công ty đã được Bộ Công Thương phê duyệt là sản phẩm thay thế sản phẩm nhập khẩu. Nhưng nhiều dự án đấu thầu, nhất là của cơ quan nhà nước, lại yêu cầu ngay từ đầu phải là sản phẩm nhập ngoại, hoặc chấm điểm rất cao cho sản phẩm ngoại.

“Không có cơ hội thắng trên sân nhà, chúng tôi rất bức xúc. Không cần ưu đãi, chỉ cần chúng tôi được đối xử bình đẳng đã tốt lắm rồi”, Tổng Giám đốc Trần Thành Trọng, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương nói thẳng.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng khẳng định, Luật Đấu thầu 2013 đã có quy định khuyến khích DN Việt Nam, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ về lựa chọn nhà thầu cũng đã có chế tài. “Tôi yêu cầu Cục Quản lý đấu thầu kiểm tra, xử lý ngay những trường hợp mà anh Trần Thành Trọng phản ánh, công khai trên báo chí”, Bộ trưởng giao nhiệm vụ ngay tại buổi đối thoại.

Bộ trưởng vừa dứt lời, cả hội trường lập tức ồ lên, kèm theo những tràng pháo tay hưởng ứng.

Tương tự, đại diện tập đoàn giáo dục KinderWorld nói dù số ngày giải quyết thủ tục cấp phép đầu tư trong Luật Đầu tư chỉ 45 ngày (luật mới thậm chí đã giảm còn 15 ngày) nhưng trong thực tế, DN từng phải đợi 3-4 năm cho một số dự án. “45 ngày hay 15 ngày cũng chỉ hơn nhau 30 ngày thôi, quan trọng là thực thi thế nào”.

Bộ trưởng cho biết trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, Bộ KH&ĐT sẽ rất cương quyết, với các quy định rõ ràng và minh bạch nhất nhằm đưa Luật vào cuộc sống. Phải làm sao có chế tài pháp luật đủ mạnh để tránh chuyện công chức nhà nước gây nhũng nhiễu cho DN.

“Pháp luật phải được thực thi nghiêm. Bộ trưởng nói ở đây hay thế này nhưng có khi đến Sở KH&ĐT đã khác, đến cán bộ thực thi lại càng khác thì đất nước không phát triển được”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Chính tôi cũng ngỡ ngàng

Chia sẻ thêm với DN các vấn đề vĩ mô, điều đầu tiên mà Bộ trưởng nhắc tới là quyết tâm cải cách của Chính phủ.

“Nếu các vị theo dõi thì Chính phủ Việt Nam gần đây thay đổi rất quyết liệt, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chính tôi cũng rất ngỡ ngàng, dù chính tôi là người tham mưu rất đắc lực về kinh tế cho Chính phủ, cho Thủ tướng”, Bộ trưởng nói.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì tuần trước, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với 7 Bộ trưởng về cải cách trong lĩnh vực hải quan, tuần này sẽ tới lĩnh vực thuế…

Mục tiêu của Chính phủ là làm sao môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN-4, tức là ngang với Malaysia, Thái Lan hay Singapore. Và làm sao để cải cách đạt kết quả trên thực tế chứ không chỉ trên văn bản, được người dân, DN và các tổ chức quốc tế kiểm chứng, đánh giá. Chẳng hạn, thời gian nộp thuế từ hơn 800 giờ xuống còn không quá 171 giờ.

Một trong những định hướng cải cách lớn trong thời gian tới là thực thi đầy đủ, đồng bộ các quy luật của kinh tế thị trường.

“Các dịch vụ công đều phải tính đúng, tính đủ chi phí, đồng thời mở ra cho xã hội làm, DN tư nhân làm càng tốt. Ai cung cấp dịch vụ rẻ nhất, chất lượng tốt nhất thì sẽ được làm. Doanh nghiệp nhà nước chỉ giữ một số lĩnh vực thiết yếu nhất và sắp tới sẽ còn thu hẹp lĩnh vực hơn nữa, còn lại giao cho DN tư nhân trong và ngoài nước làm”, Bộ trưởng khẳng định.

“Đến bây giờ tôi có thể khẳng định rằng, DN tư nhân chính là nền tảng, là động lực của nền kinh tế Việt Nam. DN tư nhân phát triển thì người dân hưởng lợi, đất nước hưởng lợi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một cơ hội của kinh tế Việt Nam là ổn định vĩ mô ngày càng vững chắc hơn, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh nhưng không phải giảm phát, mà kinh tế vẫn phục hồi rõ nét. GDP quý I/2015 tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua.

“Đây là con số tính toán rất chặt chẽ, theo đúng thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng khẳng định. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho biết mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 6,2-6,3% hoàn toàn đạt được, thậm chí nếu làm tốt có thể tăng 6,4-6,5%.

Khẳng định “cải cách là quá trình cực kỳ khó khăn, vô cùng giản khổ vì không có gì khó bằng đổi mới chính mình”, Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ KHĐT cũng như Chính phủ thực sự muốn lắng nghe DN, bởi chỉ khi DN phát triển mạnh thì Việt Nam mới cất cánh được.

Theo Hà Chính - Báo điện tử Chính phủ