Doanh nghiệp than thủ tục hải quan còn “mỗi nơi mỗi phách”
Thủ tục Hải quan quy định mỗi nơi quy định một kiểu đang gây khó khăn cho việc chuẩn bị hội nhập của doanh nghiệp.
Đây là vấn đề được nhiều doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo “Lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA)” do Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam (VAWE), Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội (HNEW) phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện (GIG) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 27/3, tại TP.HCM.
Bà Trần Thị Thùy Nga, Giám đốc công ty TNHH SAN VI (TP.HCM) bức xúc, việc cơ quan Hải quan mỗi nơi có yêu cầu khác nhau đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo lời bà Nga, mỗi tháng công ty SAN VI xuất khẩu khoảng 15-22 container hàng may mặc qua các thị trường Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản. Khi nhân viên công ty này tiến hành làm tờ khai hải quan ở Cục Hải quan TP.HCM (số 2 Hàm Nghi Quận 1, TP.HCM), ở chi cục Hải quan tỉnh Đồng Nai và ở Hải quan Hải Phòng thì nhận thấy mỗi nơi lại áp dụng quy định khác nhau.
Đơn cử, Hải quan ở TP.HCM không yêu cầu giấy chứng nhận mỗi khi DN xuất hóa đơn hàng hóa, thì Hải quan ở Đồng Nai lại đưa ra yêu cầu này. Và cơ quan Hải quan ở Hải Phòng lại đòi hỏi một chứng từ khác.
“Tôi không biết sắp tới ngành Hải quan có thay đổi chính sách mới hay không. Tại sao đến thời điểm này cơ quan Hải quan vẫn chưa thống nhất với nhau về một hệ thống khai báo Hải quan chứng từ chung trên toàn quốc”, bà Trần Thị Thùy Nga bức xúc. Đây cũng là băn khoăn chung của nhiều doanh nghiệp tham dự hội thảo nêu trên, bởi điều này ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Liên quan đến những vướng mắc kể trên của doanh nghiệp, TS.Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, trong khối ASEAN cũng có Hải quan một cửa, nhưng cho đến nay, ASEAN vẫn chưa thực hiện được điều này.
“Để có Hải quan ASEAN một cửa, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có Hải quan một cửa quốc gia. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan là cơ bản đã hoàn thành Hải quan một cửa”, TS.Võ Trí Thành cho biết.
Trong số những nước còn lại của khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là thực hiện Hải quan một cửa khá nhất, nhờ sự nỗ lực áp dụng khai báo Hải quan điện tử trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, việc triển khai hải quan điện tử theo công nghệ Nhật Bản này vẫn còn nhiều trục trặc, đặc biệt là với các DN vừa và nhỏ.
Theo TS. Võ Trí Thành, có 3 vấn đề gây khó khăn cho việc triển khai Hải quan điện tử.
Một là, để giảm được thủ tục Hải quan, bản thân cơ quan Hải quan chỉ giảm được tối đa là 30% thủ tục; trên 50-60% còn lại là phụ thuộc phối hợp giữa các Bộ ngành, và sự phối hợp ấy có khoảng trên dưới 8-9 bộ, và cho đến nay, cơ bản mới phối hợp tương đối được ở 2 bộ. Sự phối hợp chưa đồng bộ trong khi càng xuống cấp dưới, có thể mỗi nơi một phách…
Thứ hai là, để thực hiện Hải quan một cửa nhất quán, phải có data lưu trữ số liệu thống nhất. Nhưng hiện nay, ngay trong khối ASEAN cũng chưa đưa ra được một khung khổ data nhất quán. Việt Nam chưa làm được điều này cũng một phần là để chờ ASEAN đưa ra một khung khổ rõ ràng.
Cuối cùng, nếu muốn hình thành ASEAN một cửa phải có bộ công nghệ – bộ dữ liệu có tính liên kết với nhau. “Ví dụ lấy tiêu chuẩn của Singapore mà Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn khác thì lại phải đổi mới toàn bộ thì mới hợp tác được. Đây là câu chuyện khó khăn, ASEAN đang cố gắng khoảng năm 2018 có thể có Hải quan một cửa chung cho toàn khối ASEAN. Còn Việt Nam, khoảng năm 2016 sẽ có Hải quan một cửa quốc gia”, TS.Võ Trí Thành cho biết thêm.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt