Thứ Tư, 25/03/2015 13:47:33 (GMT+7)

FTA Việt Nam – EU giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư

Trong tuần này, vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU chính thức diễn ra. Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn nước ngoài của Dự án EU – Mutrap trao đổi với Báo Đầu tư về hiệp định quan trọng này.

Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn nước ngoài của Dự án EU - Mutrap

Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn nước ngoài của Dự án EU – Mutrap

Thưa ông, đến nay, việc đàm phán Hiệp định đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

Các cuộc đàm phán thương mại luôn được giữ kín nhằm bảo vệ lợi ích của các bên tham gia và tạo điều kiện cho các bên theo đuổi các chiến lược của mình. Vì vậy, thông tin về các cuộc đàm phán này thường rất hạn chế.

Về kết quả nổi bật nhất, các bên đã cam kết tự do hóa 85% các mức thuế. Ngoài ra, hiệp định này, cũng như nhiều hiệp định khác mà EU đã hoàn tất, lại có phạm vi rất rộng. Bên cạnh thương mại hàng hóa, đàm phán còn bao gồm các vấn đề như thương mại dịch vụ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật, bao cấp, bảo vệ đầu tư, phát triển bền vững (tức là các biện pháp lao động và môi trường liên quan đến thương mại), mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, hải quan, thuận lợi thương mại và quy tắc xuất xứ.

Đâu là các vấn đề khó nhất trong đàm phán hiệp định này, thưa ông?

Ngay cả khi các cuộc đàm phán là bí mật, thì việc phân tích các chính sách thương mại của hai quốc gia (bao gồm cả các hiệp định khác mà hai quốc gia này là bên tham gia) và các thông tin thu thập được trong ngành kinh doanh và từ cuộc phỏng vấn gần đây đối với ông Mauro Petriccione, Trưởng đàm phán của EU, trên một tờ báo điện tử, cho chúng ta thấy một vài thông tin về các thách thức chủ yếu mà hai bên đang phải đối mặt trong đàm phán.

Các thách thức này bao gồm việc dỡ bỏ thuế quan đối với phần lớn các giao dịch trong một thời hạn tối đa 10 năm. Việt Nam gặp một số khó khăn trong việc giảm thuế quan trong các thời hạn mà EU đề xuất đối với một số mặt hàng nhạy cảm như ô tô, rượu vang và rượu cồn.

EU cũng yêu cầu Việt Nam thực hiện tự do hóa đáng kể đối với thương mại dịch vụ. Việt Nam coi một số ngành (như viễn thông, vận tải, công nghệ thông tin và phân phối, đặc biệt là các sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm) là đặc biệt nhạy cảm vì một số lý do (chẳng hạn, coi doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chính trong nền kinh tế; các công ty dịch vụ của Việt Nam hoạt động kém hiệu quả và sợ bị EU cạnh tranh mạnh mẽ).

Thách thức nữa là về doanh nghiệp nhà nước. EU đang yêu cầu các doanh nghiệp này tuân thủ các luật chơi tương tự đang áp dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, EU cũng yêu cầu phải có sự công nhận lẫn nhau về vấn đề chỉ dẫn địa lý đối với nhiều sản phẩm như rượu champagne và phô-mai camembert.

Điều này mâu thuẫn với thực tế một số chỉ dẫn địa lý của EU là cùng một loại tại Việt Nam, hoặc tại các nước thành viên của Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương, đặc biệt là Hoa Kỳ, New Zealand và Australia.

Việc bảo hộ tên một sản phẩm cụ thể như một chỉ dẫn địa lý có nghĩa là, chỉ những nhà sản xuất từ một khu vực địa lý cụ thể tuân thủ các thủ tục sản xuất chi tiết mới có thể dán nhãn các sản phẩm của họ bằng tên của khu vực đó. Chẳng hạn, ở châu Âu, chỉ có nhà sản xuất phô mai từ vùng Brie ở Pháp mới có thể sử dụng cái tên “Brie” cho các sản phẩm của họ để đưa ra thị trường, trong khi đó, các nhà sản xuất Brie nào nằm ngoài vùng Brie của Pháp sẽ không được phép dán nhãn phô-mai là “Brie” tại Việt Nam.

Ngoài các thách thức kể trên, các bên trong đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU còn gặp phải các vấn đề gai góc khác, như quy tắc xuất xứ của hàng dệt may, mua sắm công, hạn ngạch của EU đối với sản phẩm gạo của Việt Nam, giải quyết tranh chấp cho nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài sẽ có lợi ích gì từ Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU?

Trước tiên, Hiệp định sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh. Nó sẽ giúp tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư trong và ngoài nước từ việc can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh doanh của họ, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân (gồm cả doanh nghiệp nước ngoài) và doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, hiệp định này cũng giúp đơn giản hóa các thủ tục hải quan cho hàng hóa ra vào EU, cũng như các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư và giúp cải thiện minh bạch của các cơ quan công quyền của Việt Nam.

Thứ hai, Hiệp định còn nhằm bãi bỏ thuế quan cho hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam vào EU như thủy sản, dệt may và giày dép. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ trở nên cạnh tranh hơn các sản phẩm tương tự của các nước khác vào EU.

Thứ ba, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường rộng hơn cho các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao từ EU, cũng như cho các nhà cung cấp dịch vụ chất lượng cao của EU.

Cuối cùng, Hiệp định sẽ thúc đẩy việc cải thiện các tiêu chuẩn môi trường và chất lượng của điều kiện làm việc cho các nhà sản xuất ở Việt Nam.

Theo Thanh Tùng - Báo Đầu tư