Thu hút đầu tư nước ngoài: Bài học từ TPHCM
Là một trong địa phương đi đầu trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), bên cạnh những thành công, TPHCM có nhiều bài học để dòng vốn FDI mang lại hiệu quả hơn nữa cho quá trình phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Tại Hội thảo khoa học do Thành uỷ, UBND TPHCM tổ chức mới đây, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, quy mô, tiềm lực và sự đóng góp của TPHCM cho cả nước ngày càng lớn. Với 30% tổng thu ngân sách quốc gia, đến nay, TPHCM đã đóng góp 1/3 giá trị công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước.
Để có được vai trò đầu tàu, là cực tăng trưởng trọng yếu và là cửa ngõ chính kết nối kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới, một trong những thành công mà TPHCM đạt được chính là những kinh nghiệm trong việc thu hút nguồn vốn FDI.
Trăn trở từ những thành công
Khu vực FDI đóng góp 23,8% trong tổng số GDP của Thành phố, góp phần quan trọng trong việc dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành kinh tế theo hướng tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tạo ra công ăn việc làm với 22,5% tổng lực lượng lao động của Thành phố và nâng cao trình độ lao động trong nước thông qua việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới…
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM cho biết, để đạt được những kết quả trên, TPHCM đã thực hiện nhiều chính sách thu hút nguồn FDI, trong đó cải cách các thủ tục hành chính, quản lý là mục tiêu số một. Theo đó, việc thành lập các Ban Quản lý theo lĩnh vực hoạt động đã phát huy vai trò tham mưu cho UBND Thành phố để xây dựng các chính sách thẩm định dự án đầu tư, thu hút đầu tư linh hoạt, phù hợp với quy mô, phạm vi hoạt động của từng khu, từ đó nâng cao cất lượng cung cấp thông tin, hướng dẫn và giải quyết theo cơ chế “một cửa”, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư.
Tiếp đến, chính sách về đất đai với các dự án FDI được thực hiện thí điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hạ tầng và chuyển nhượng nhà ở gắn liền với đất có hạ tầng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã thành công và là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định 84 sau này.
Đặc biệt, Thành phố tập trung huy động nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Mạnh dạn triển khai các hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BT, BTO ở nhiều dự án quan trọng. Việc áp dụng thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất với công trình BT đã được Chính phủ cho thí điểm, cung cấp nhiều thực tiễn để Chính phủ xây dựng các nghị định về đầu tư theo hình thức trên. Cụ thể, dự án đường vành đai ngoài Tân Sơn Nhất-Bình Lợi do Tập đoàn GS E&C thực hiện là dự án BT đầu tiên của nước ngoài thí điểm tại TPHCM đem lại hiệu quả cao.
Theo TS Phạm Thị Minh Lý, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Tôn Đức Thắng, trong thời gian qua, TPHCM đã có những “đột phá” trong công tác CCTTHC.
Cụ thể, đã giảm 10 TTHC, sửa đổi, bổ sung 26 thủ tục, thay thế 5 thủ tục và bãi bỏ 144 thủ tục. Bên cạnh đó, TPHCM đã cập nhật 241 TTHC vào cơ sở dữ liệu quốc gia để các DN và người dân tiện tiếp cận, thực thi; triển khai thực hiện Dự án Quy định điện tử (E-regulations). Đồng thời, triển khai hệ thống một cửa điện tử trên điện thoại di động ứng dụng công nghệ 3G.
Nhờ đó, không chỉ hơn 3.000 văn phòng đại diện từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế TPHCM đã có những đánh giá tích cực về quá trình CCTTHH, mà Thành phố còn tạo được niềm tin để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài khác đến TPHCM trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Thái Văn Rê vẫn còn nhiều “trăn trở” cần rút ra từ quá trình phát triển thu hút dòng vốn FDI của TPHCM. Đó là, do không chủ động nắm bắt được khối lượng nguồn vốn và luồng vốn nên ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách thu hút đầu tư và chuẩn bị cho hạ tầng, lao động cũng như các nguồn lực khác; mức độ chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI với các DN trong nước còn ở trình độ thấp; khu vực FDI còn xảy ra nhiều hiện tượng vi phạm thời gian làm việc đối với công nhân lao động, nhất là lao động đơn giản. Cụ thể theo khảo sát của Sở LĐTBXH TPHCM, có tới 26% công nhân lao động quá 8 giờ/ngày và vượt quá 40 giờ/tuần.
Một số DN FDI lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ và của TPHCM để thực hiện chuyển giá thông qua các hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với các công ty mẹ hoặc các công ty liên kết ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, còn bộc lộ nhiều hạn chế như các hoạt động xúc tiến còn dàn trải ở nhiều đầu mối khác nhau nên thiếu sự phối hợp. Hệ thống thông tin về môi trường đầu tư chưa xây dựng đầy đủ, đồng bộ nên các chương trình xúc tiến không theo một chiến lược nhất quán. Chưa chú trọng kiểm tra, giám sát sau cấp phép nên xảy ra tình trạng nhiều DN bỏ trốn, gian lận thuế…
Đồng bộ các giải pháp
Theo GS.TS Vương Đình Huệ, với vai trò đầu tàu, TPHCM cần chủ động nghiên cứu đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách thích hợp theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ cho Thành phố, nhất là trong việc đưa ra các giải pháp thu hút dòng vốn FDI.
Ông Thái Văn Rê cho biết, trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục xây dựng các gói ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt vào các lĩnh vực góp phần đào tạo lao động có chất lượng cao và các dự án có chuyển giao công nghệ nguồn; chú trọng vào những dự án có xây dựng các trung tâm nghiên cứu–phát triển (R&D).
Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này không nhất thiết phải đặt nặng vấn đề ưu đãi thuế và tiền sử dụng đất như cách làm hiện nay mà cần thực hiện gián tiếp thông qua việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý trong suốt hoạt động dự án, hỗ trợ cơ sở hạ tầng…
Bên cạnh đó, cần chỉ định một cơ quan xúc tiến đầu tư mới, hoạt động độc lập và tham mưu cho Thành phố các chính sách thu hút đầu tư và tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài. Chú trọng nghiên cứu một cách tổng quát các xu hướng đầu tư quốc tế đối với những lĩnh vực thế mạnh của TPHCM, đề từ đó xây dựng các chiến lược theo định hướng, đồng thời phải luôn dự báo được xu hướng đầu tư trên thế giới và khu vực.
Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bằng việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin để giảm thiểu thời gian giải quyết hồ sơ. Đồng thời, thực hiện cơ chế “một cửa” tới tất cả các khâu của quá trình cấp phép cũng như kiểm tra sau cấp phép.
Theo Cục Thống kê TPHCM, kể từ năm 1988 đến đầu năm 2013, tổng nguồn vốn FDI đăng ký là 31,622 tỷ USD, tỷ lệ thực hiện là 41,8%. Từ năm 2001 đến nay, FDI đã tăng gần 5 lần từ 885,7 triệu USD lên 38 tỷ USD năm 2014.Theo thống kê của Sở KH&ĐT TPHCM, tính đến hết năm 2014, TPHCM đã có 5.310 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 36,28 tỷ USD, chiếm 14,4% số vốn đăng ký và 30,1% số dự án còn hiệu lực trong cả nước.
Đặc biệt, tính đến hết tháng 2/2015 đã có 41 dự án đăng ký mới và 200 dự án tăng vốn đầu tư là 506 triệu USD, đưa tổng số vốn đầu tư của TPHCM lên 36,81 tỷ USD. |
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt