Đặt mục tiêu “nhảy vọt”, Chính phủ thúc ép cải cách
Ý kiến chuyên gia nói Chính phủ đã “thúc ép cải cách mạnh mẽ hơn và đặt mục tiêu cao vượt bậc về cải thiện môi trường kinh doanh”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 – 2016.
Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia về Nghị quyết rất được kỳ vọng này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định:
So với Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, Nghị quyết mới của Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn cho 2 năm 2015-2016. Cụ thể, trong năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt và vượt mức trung bình của 6 nước tốt nhất ASEAN (ASEAN-6), mục tiêu này cao hơn chút ít so với Nghị quyết 19 (bằng mức trung bình ASEAN-6).
Tuy nhiên, mục tiêu cho năm 2016 thì cao hơn rất nhiều, khi Nghị quyết mới yêu cầu phải đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế. Từ ASEAN-6 sang ASEAN-4 là một bước tiến vượt bậc.
Bởi vì trong nhóm ASEAN-6, có 3 nước kém xa mức trung bình của nhóm là Brunei, Philippines và Indonesia, còn 3 nước Singapore, Malaysia và Thái Lan lại cao hơn hẳn mức trung bình. Do đó, nếu Việt Nam đạt mức trung bình ASEAN-4 sẽ là bước nhảy vọt lớn. Khi đó, chúng ta gần như ở giữa Malaysia và Thái Lan.
Một ví dụ khác, thời gian giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam theo đo lường của WB là 400 ngày. Chúng ta đặt mục tiêu rút ngắn còn tối đa 200 ngày, đây là mục tiêu rất cao, bởi ngay cả Singapore là nước đứng đầu thế giới cũng chỉ có 150 ngày.
Đó là mục tiêu, còn giải pháp thì có điểm gì mới, thưa ông?
Nghị quyết yêu cầu tổ chức thực hiện quyết liệt hơn. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bám sát báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB); nghiên cứu, tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết theo thông lệ quốc tế để thực hiện cải cách của từng ngành, địa phương.
Như vậy là tư duy rõ ràng hơn, giải pháp cụ thể hơn, việc đánh giá sau này cũng nhất quán hơn. Trước tới nay, các bộ vẫn nói đã cải cách thế này, thế khác, nhưng việc cải cách đó có đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 19 đặt ra hay không thì chưa hẳn. Cách triển khai theo Nghị quyết mới sẽ khắc phục điểm này.
Bên cạnh đó, Nghị quyết mới cũng đề cập đến những điểm mà năm ngoái chúng ta chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa được nhiều. Chẳng hạn, về thủ tục xuất nhập khẩu, năm ngoái hầu như chúng ta mới cải cách trong lĩnh vực hải quan. Thế nhưng các nghiên cứu cho thấy vấn đề khiến thông quan tại Việt Nam chậm không phải do hải quan, mà do các thủ tục quản lý chuyên ngành từ các bộ, ngành khác. Nghị quyết mới đặt trọng tâm cải cách vào các thủ tục quản lý chuyên ngành, tức là đúng đối tượng hơn. Khi nhìn đúng vấn đề hơn thì chắc chắn là thực hiện tốt hơn.
Một điểm mới khác của Nghị quyết là yêu cầu công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh trên Cổng Thông tin doanh nghiệp quốc gia; rà soát, đánh giá và kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới không đề cập vấn đề này, nhưng nếu chúng ta làm được sẽ cải thiện vượt bậc về môi trường kinh doanh trong thực tế.
Nghị quyết nêu ra rất nhiều văn bản, chính sách cụ thể mà Chính phủ giao cho từng bộ, ngành phải rà soát, sửa đổi hoặc loại bỏ. Ông bình luận gì về điểm này?
Đây chính là kết quả của việc triển khai Nghị quyết 19 từ năm 2014. Nhiều người nói rằng việc thực hiện Nghị quyết 19 là đi từ ngọn, tức chỉ cải cách thủ tục, nhưng thực tế không phải như thế. Từ vướng mắc trong thủ tục, tức là từ kết quả, chúng ta truy ngược lại nguyên nhân, xem cái gốc ở quy định nào, văn bản nào, thể chế nào.
Do đó, trong Nghị quyết mới, Chính phủ đã chỉ rõ từng văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ, ngành phải sửa, và yêu cầu sửa theo hướng nào. Điều đó giúp các bộ, ngành biết phải làm gì cụ thể hơn và việc đánh giá sau này cũng dễ dàng hơn.
Các bộ, ngành đón nhận tinh thần mới của Nghị quyết thế nào, thưa ông?
Có thể nói, Nghị quyết này thúc ép cải cách mạnh mẽ hơn. Trên thực tế, sau những cải cách vừa qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đến lúc này đã đạt mức trung bình của ASEAN-6, nhiều chỉ tiêu đã vượt, chẳng hạn cấp phép xây dựng hay tiếp cận điện, nộp thuế hay khởi sự kinh doanh…
Tôi tin rằng trong thời gian tới, khi WB đánh giá lại môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ cải thiện được vị trí, nếu họ không thay đổi phương pháp tính. Nhưng ngay cả có thay đổi, thì môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng đã cải thiện hơn.
Theo quan sát của tôi, các bộ, ngành hiện đang có phản ứng hết sức tích cực với tinh thần cải cách đã và đang được Chính phủ thúc ép. Chẳng hạn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng rất quyết tâm với chỉ tiêu cấp phép xây dựng. Còn các bộ, ngành khác đã tiến hành nhiều cải cách trong thời gian qua thì Nghị quyết tiếp tục tạo sức ép cải cách, bởi cải cách là không ngừng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt