Vốn FDI tìm dự án máy và thiết bị nông nghiệp
Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực máy nông nghiệp coi Việt Nam là thị trường màu mỡ.
Công ty TNHH Buhler Farmila Việt Nam (Thụy Sỹ) là một trong nhiều doanh nghiệp có tham vọng lớn trong việc xây dựng thị phần máy và thiết bị chế biến lúa gạo tại Việt Nam. Công ty này đang vận hành một nhà máy sản xuất máy chế biến lúa gạo tại Long An và đang tiếp tục có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai tại địa phương này.
“Nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm của Buhler đang ngày càng tăng, vì các sản phẩm này giúp giảm thiểu đáng kể tổn thất sau thu hoạch. Hiện Buhler đang đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong nước”, ông Nguyễn Phước Tài, kỹ sư điện nông nghiệp của Buhler, cho biết.
Không chỉ Buhler đang nỗ lực mở rộng kinh doanh, Công ty Kubota Việt Nam (liên doanh Nhật Bản – Thái Lan) cũng đạt mức tăng trưởng bán hàng cực kỳ ấn tượng tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn, ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc Kinh doanh khu vực phía Bắc của Kubota Việt Nam cho biết, tổng doanh thu của Kubota tại khu vực này trong năm 2014 đã tăng trưởng 320%. Đáng chú ý, Kubota Việt Nam đạt mức tăng trưởng trong năm 2013 lên đến 300%.
“Các sản phẩm của chúng tôi được nhiều nông dân tin tưởng sử dụng. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân. Điều này đã làm lợi gián tiếp cho chúng tôi. Kubota hiện có 40 đại lý phân phối khắp cả nước và sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các đại lý này”, ông Hải nói.
Vào cuối năm 2009, Kubota đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất máy nông nghiệp trị giá 11,37 triệu USD tại tỉnh Bình Dương. Hiện nhà máy này sản xuất khoảng 15.000 máy kéo và 2.000 máy gặt liên hợp/năm.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam nhằm mở rộng thị trường máy nông nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn, ông Shinsuke Shirai, đại diện Bộ phận Thị trường nước ngoài của Công ty Maruyama MFG, cho biết, doanh nghiệp này đang coi Việt Nam là thị trường mới và đầy tiềm năng cho các sản phẩm của mình, như máy cắt cỏ, máy phun, máy tỉa…
“Maruyama có 120 năm phát triển, với các nhà máy sản xuất tại Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan. Chúng tôi đang củng cố mạng lưới phân phối tại Việt Nam trước khi tiến hành các bước kinh doanh tiếp theo. Chúng tôi đã tìm được một số khách hàng tại đây và sẽ tìm thêm nữa”, ông Shirai nói.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 12/2014, Công ty TNHH Máy nông nghiệp Yanmar Việt Nam tổ chức lễ ra mắt tại TP. HCM. Đây là liên doanh giữa Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Sovico (Việt Nam), với vốn đầu tư là 294 tỷ đồng.
Công ty liên doanh sẽ nhập khẩu, phân phối, tư vấn quản lý, bảo hành, bảo dưỡng các loại máy nông nghiệp tại thị trường Việt Nam, tiến tới sản xuất, lắp ráp trong tương lai không xa.
Ông Y. Tamura, Giám đốc Kinh doanh tại nước ngoài của Công ty MaruMasu Kikai cũng cho biết, doanh nghiệp này muốn xây dựng một hệ thống đối tác lớn tại Việt Nam để bán các loại máy chế biến lúa gạo. Hiện MaruMasu Kikai đã tìm kiếm và ký kết hợp đồng với vài đối tác trong nước.
Đối với Công ty Khoa học và Công Nghệ Jinhua Sanren (Trung Quốc), họ cũng đang háo hức tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường máy nông nghiệp tại Việt Nam. Bà Jilly Lee, Giám đốc bán hàng của Công ty cho biết, doanh nghiệp này đang “tìm kiếm những đối tác phân phối lớn, nhằm mở rộng thị phần tại Việt Nam, với các dòng sản phẩm như động cơ diesel, máy cày mini, máy bơm và máy phát quang bụi rậm”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp nước ngoài hiện chiếm hơn 80% thị phần máy nông nghiệp của Việt Nam. Trong số đó, 60% thuộc về các doanh nghiệp Trung Quốc và 40% là của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính thức của năm 2014, nhưng riêng trong năm 2013, Việt Nam đã bỏ ra khoảng hơn 8 tỷ USD để nhập khẩu các loại máy móc và vật tư nông nghiệp.
Các doanh nghiệp trên đều cho rằng, mặc dù Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, nhưng công nghiệp sản xuất máy móc và thiết bị nông nghiệp của Việt Nam còn yếu, do nhiều lý do, trong đó, lý do chủ yếu chính là ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển, để có thể cung cấp các linh kiện và phụ tùng cho các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp ở đây.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt