Thứ Sáu, 06/02/2015 10:45:33 (GMT+7)

Dịch chuyển cơ cấu giúp tăng năng suất lao động

Công cuộc đổi mới tác động đến năng suất lao động (NSLĐ) về nhiều mặt. Đến lượt nó, NSLĐ lại là yếu tố quyết định nhất đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Dịch chuyển cơ cấu giúp tăng năng suất lao động

Năng suất lao động đang là yếu tố quyết định đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế

Trong thời kỳ 1987 – 2013, NSLĐ của Việt Nam tăng bình quân 3,64%/năm. Đó là tốc độ tăng khá cao mà các thời kỳ trước chưa đạt được (bình quân thời kỳ 1977 – 1985 chỉ tăng 0,14%/năm).

30 năm qua, tốc độ tăng NSLĐ đã trải qua 3 thời kỳ tương đối rõ rệt.

Trong thời kỳ 1987 – 1990, NSLĐ tăng khá thấp, thấp hơn cả thời kỳ 1981 – 1986 (tăng 1,66%/năm so với tăng 2,77%/năm). Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng GDP thấp (tăng 4,84%/năm), trong khi số lượng lao động tăng khá cao (tăng 3,13%/năm).

Trong thời kỳ 1991 – 2007, NSLĐ tăng khá cao, với mức tăng bình quân 4,49%/năm, do 3 yếu tố. Yếu tố thứ nhất và quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ này đạt khá cao (tăng 7,16%/năm) – cao nhất từ trước tới nay. Yếu tố thứ hai là số lượng lao động tăng trưởng chậm lại (tăng 2,55%/năm). Yếu tố thứ ba là cơ cấu lao động theo nhóm ngành có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động làm việc ở nhóm ngành có NSLĐ thấp nhất là nông, lâm nghiệp – thủy sản, trong khi tăng tỷ trọng của các nhóm ngành có NSLĐ cao hơn là công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.

Trong thời kỳ 2008 – 2013, tốc độ tăng NSLĐ đã chậm lại, tăng bình quân 3,22%/năm. Nguyên nhân NSLĐ tăng trưởng chậm lại chủ yếu do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, với mức tăng trưởng bình quân chỉ đạt 5,43%/năm, so với 7,16% của thời kỳ 1991 – 2007.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại do tác động của các yếu tố ở trong nước và các yếu tố từ nước ngoài. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô không ổn định (nhập siêu lớn, bội chi ngân sách lớn…); lạm phát cao, nên phải tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chuyển sang tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm từ 39,2% năm 2009 xuống còn 30,4% năm 2013…

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã tác động tương đối mạnh đến nền kinh tế Việt Nam do mức độ mở cửa của kinh tế nước ta khá lớn.

Năm 2014, NSLĐ được cải thiện rõ nét, với mức tăng 4,5% so với mức tăng bình quân 3,4% của 2 năm trước đó.

Quy mô tuyệt đối của NSLĐ

NSLĐ chung của toàn bộ nền kinh tế năm 2013 đạt 68,7 triệu đồng/lao động, trong đó của nhóm ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản chỉ có 27 triệu đồng/lao động, của nhóm ngành công nghiệp – xây dựng đạt 124,1 triệu đồng/lao động, của nhóm ngành dịch vụ đạt 92,6 triệu đồng/lao động.

Tính theo khu vực thì NSLĐ khu vực kinh tế trong nước đạt 57,2 triệu đồng/lao động, còn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 392,4 triệu đồng/lao động.

Con số NSLĐ chung của toàn bộ nền kinh tế (68,7 triệu đồng/lao động năm 2013) phải phải chia ra làm nhiều phần, trong đó, gần 10% là của nước ngoài, khoảng 25% nộp ngân sách nhà nước và một số khoản cho doanh nghiệp…, thì phần của nhiều lao động không còn được bao nhiêu.

Trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản, với mức 27 triệu đồng/lao động/năm, tính ra chỉ có 2,25 triệu đồng/tháng.

Từ chênh lệch theo nhóm ngành như trên, có thể thấy, một trong những giải pháp tăng NSLĐ là chuyển lao động từ ngành có NSLĐ thấp sang nhóm ngành có năng suất cao hơn.

NSLĐ của Việt Nam thấp làm cho sức cạnh tranh thấp. Để nâng cao NSLĐ, có nhiều việc phải làm. Trước hết, cần chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu lao động theo nhóm ngành, chuyển số lao động làm nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời, tăng mạnh tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đổi mới kỹ thuật – công nghệ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng ở trong nước, nhập khẩu kỹ thuật –  công nghệ cao…

Theo Minh Nhung - Báo Đầu tư