Thứ Hai, 26/01/2015 8:24:44 (GMT+7)

Xuất siêu kỷ lục: Công lớn thuộc về doanh nghiệp FDI

Việt Nam đã xuất siêu kỷ lục trong năm 2014, với 2,138 tỷ USD. Đóng góp lớn cho con số này vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Số liệu đã chính thức được Tổng cục Hải quan công bố, năm 2014, với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 150,186 tỷ USD, còn tổng kim ngạch nhập khẩu trên 148 tỷ USD, Việt Nam đã xuất siêu 2,138 tỷ USD. Như vậy, so với con số xuất siêu 42 triệu USD của năm 1992; 748,7 triệu USD của năm 2012 và 0,3 triệu USD của năm 2013, thì xuất siêu năm 2014 đã ở mức kỷ lục, góp phần quan trọng ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối. Hơn thế, theo chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, mức xuất siêu hơn 2 tỷ USD của năm nay không hề mang nỗi ám ảnh của những năm trước, đó là xuất siêu là do nhập khẩu giảm, xuất phát từ sự trì trệ trong sản xuất – kinh doanh của nền kinh tế.

Samsung tiếp tục nổi lên là nhà xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Samsung tiếp tục nổi lên là nhà xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Nếu cần nhắc lại con số của năm cũ, thì việc khu vực công nghiệp – xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, cả năm 2014 đạt 7,14%, cao hơn đáng kể mức tăng trưởng 5,43% của năm 2013 đã cho thấy sự hồi phục khá rõ nét của nền kinh tế. Trong đó, riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng khoảng 7,6% so với năm trước, trong khi năm 2013 chỉ tăng 5,9%.

“Xuất siêu lớn thực sự xuất phát từ sự hồi phục của khu vực sản xuất và xuất khẩu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2014, có tới 23 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chưa kể một số mặt hàng cũng có kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ con số đó. Trong đó, lớn nhất là nhóm hàng điện thoại và linh kiện các loại, đạt trên 26 tỷ USD; tiếp đó là dệt may (20,948 tỷ USD), giày dép (10,38 tỷ USD)…

Năm 2014, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục ghi nhận sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp điện tử. Số liệu thống kê cho thấy, ngoài hơn 26 tỷ USD xuất khẩu điện thoại, năm 2014, các doanh nghiệp còn xuất khẩu 11,43 tỷ USD máy vi tính và linh kiện; 2,22 tỷ USD máy ảnh và linh kiện…

Đóng góp phần lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là khối doanh nghiệp FDI. Cụ thể, năm 2014, khối này đã xuất khẩu 93,988 tỷ USD, nhập khẩu 84,192 tỷ USD, tính chung xuất siêu xấp xỉ 9,8 tỷ USD. Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày, doanh nghiệp FDI cũng chiếm tỷ lệ rất lớn.

Cá biệt mặt hàng điện thoại, máy tính, khu vực FDI đóng góp tới 98 – 99%. Và trong nhóm hàng này, những cái tên được nhắc tới là Samsung, Microsoft, Canon, Intel… Trong đó, Samsung tiếp tục nổi lên là nhà xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, khi năm 2014 đã xuất khẩu 26,25 tỷ USD. Con số này, theo ông Ha Chan Ho, cố vấn chiến lược của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, là thấp hơn so với kế hoạch ban đầu, do những khó khăn về thị trường. Mặc dù vậy, hơn 26 tỷ USD vẫn chiếm tỷ lệ xấp xỉ 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và không thể phủ nhận, đây là mức đóng góp rất lớn của Samsung.

Samsung, cùng với việc xuất khẩu lớn, cũng đã đầu tư các dự án quy mô cả tỷ USD ở Thái Nguyên và Bắc Ninh để sản xuất các linh, phụ kiện thiết yếu, đồng thời đó cũng thu hút được một lượng lớn doanh nghiệp vệ tinh, nên tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu đã giảm đáng kể, đưa tỷ lệ nội địa hóa lên trên 33%. Số liệu ước tính, năm 2014, phần giá trị gia tăng của Samsung ở thị trường Việt Nam có thể lên tới 10 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với con số 7,6 tỷ USD của năm ngoái.

Ít nhiều, đóng góp của Samsung đã khiến mặt trái của tấm huy chương “doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn, nhập khẩu nhiều” trở nên mờ nhạt hơn. Mặc dù vậy, một cách thẳng thắn, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nên dù xuất khẩu lớn, giá trị gia tăng mà Việt Nam thu về không được như kỳ vọng.

Năm 2015, dù Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm nay, song nhiều dự báo cho thấy, con số có thể đạt được cao hơn. Lý do là vì, năm 2015 có thể nói là cột mốc đáng nhớ của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, với việc hàng loạt hiệp định thương mại tự do, với EU, với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan (đã được ký kết), rồi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đang trong quá trình cuối của đàm phán. Dù vẫn còn độ trễ của chính sách, song các hiệp định mới được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên của các hiệp định nói trên.

Chưa kể, dù không thể chỉ trông chờ vào một doanh nghiệp như Samsung, nhưng với kế hoạch đưa nhà máy Thái Nguyên đi vào hoạt động ổn định và kế hoạch triển khai các dự án linh kiện ở Thái Nguyên và Bắc Ninh để phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, cũng như khi dự án 1,4 tỷ USD ở TP.HCM được triển khai và đi vào hoạt động, thì Samsung sẽ tiếp tục có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thậm chí, Việt Nam xuất siêu lớn cũng là công đóng góp không nhỏ của nhà sản xuất này.

Theo Nguyên Đức - Báo Đầu tư