Thứ Hai, 05/01/2015 9:20:55 (GMT+7)

Năm 2014 – Năm của doanh nghiệp

Năm 2014, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thoát khỏi “vùng đáy” của sự suy thoái để bắt kịp những tín hiệu mới của thị trường.

Cũng có thể nói, đây là năm cộng đồng doanh nghiệp nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương.

Bà Phạm Thị Thu Hằng. Ảnh: VGP/Phương An

Bà Phạm Thị Thu Hằng. Ảnh: VGP/Phương An

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2014, bằng Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung vào các giải pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Trong 9 nhóm giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh được xếp lên hàng đầu. Đồng thời với đó là các giải pháp về  ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và một số nhóm giải pháp khác.

Sự ra đời của Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu nêu trên.

Giải pháp xuất phát từ nhu cầu

Những kết quả rõ rệt nhất từ việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP là trong lĩnh vực cải cách thủ tục thuế, hải quan, cấp điện cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh.

Riêng Bộ Tài chính đã rà soát, hệ thống hoá 645 thủ tục hành chính; đã rút ngắn 54% số giờ nộp thuế. Ước tính có khoảng 95% số doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế điện tử; đã thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử ở 18 địa phương.

Cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế của Việt Nam đã được chính thức khai trương.

Hầu hết UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, rà soát các quy định do địa phương mình ban hành và tình hình thực hiện các quy định đó, đặt mục tiêu và lộ trình đến năm 2015 phấn đấu đạt mức của tỉnh, thành phố có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2013 đã được xếp hạng ở mức cao.

Những nỗ lực, giải pháp mà Chính phủ đưa ra xuất phát từ chính những nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, giới sử dụng lao động và đội ngũ doanh nhân.

Lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng khi mà hai Luật này vừa được thông qua trước đó 1 năm. Trong đó, việc dỡ bỏ hoàn toàn trần chi phí quảng cáo là một đề xuất được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là quyết định hết sức đúng đắn và kịp thời.

Gỡ vướng thực thi chính sách

Tuy nhiên, vấn đề thực thi chính sách có lẽ còn quan trọng hơn rất nhiều và cũng là nỗi trăn trở lâu nay của cộng đồng doanh nghiệp.

Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đến năm 2015 được ban hành trên cơ sở kết quả giải quyết hơn 300 kiến nghị của các doanh nghiệp và cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, 12 lãnh đạo các bộ, ngành và trên 400 doanh nghiệp.

Một cơ chế giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách đã được hình thành và phát huy hiệu quả.

Trong năm 2014, thông qua VCCI, đã có hơn 400 kiến nghị của doanh nghiệp được thu thập và chuyển tới các cơ quan liên quan; 12 bộ, ngành, địa phương tham gia thường xuyên giải đáp vướng mắc trực tiếp, hoặc báo cáo Chính phủ, hoặc đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Hai hội nghị lớn về đối thoại chính sách thuế và hải quan đã được Bộ Tài chính và VCCI triển khai với sự tham gia của trên 600 doanh nghiệp…

Những nỗ lực của các doanh nghiệp và tinh thần phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ đã mang lại những kết quả xứng đáng. Trong năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 432.286 tỷ đồng, tuy giảm 2,7% về số doanh nghiệp và nhưng đã tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, những khó khăn vừa qua đã sàng lọc lại những doanh nghiệp thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động.

Trong năm 2014, đã có 22.758 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595.707 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2014 là 1.027.993 tỷ đồng. Xu hướng các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng. Thu ngân sách Nhà nước năm 2014 cũng đã vượt mức dự toán nhờ những nỗ lực này.

Doanh nghiệp và những kỳ vọng

Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng có nhiều biến động phức tạp, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, sức kháng cự còn yếu, cộng đồng doanh nghiệp trong nước kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục các giải pháp lớn về xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc qia trên cơ sở xác định doanh nghiệp là lực lượng chủ lực để phát triển kinh tế xã hội cùng đất nước.

Ngoài ra, cần tập trung vào các giải pháp về đổi mới thể chế như, nghiên cứu đề xuất ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu không chỉ chú trọng tăng nhanh số lượng, quy mô mà tập trung hơn về cơ cấu hợp lý, chất lượng tăng trưởng bền vững, năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Ban hành Nghị định về công nghiệp hỗ trợ để có những giải pháp có tính đột phá ở một số ngành, tập trung đầu tư về mặt nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và tài chính trong các chuỗi giá trị các sản phẩm ngành công nghiệp và nông nghiệp. Nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp.

Về các chính sách hỗ trợ, Chính phủ cần quan tâm đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụm công-nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; hỗ trợ tài chính cho khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Đồng thời, nên lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển, tập trung phát triển một số doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, có quy mô từ cỡ trung bình trở lên, phát triển một số thương hiệu quốc gia.

Đặc biệt, để xây dựng một nền kinh tế tự chủ và phát triển bền vững, thì các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động và có đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, liên kết với các doanh nghiệp FDI và chuyển dịch lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị. Chính phủ như “bà đỡ” cần hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tiếp cận các nguồn lực cũng như thị trường, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, phát triển bền vững.

Với sự sát cánh đó, chắc chắn kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2015 và các năm tiếp theo sẽ được hoàn thành thắng lợi.

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI