Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế
Sáng 23/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế”.
Hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các học giả trong nước, quốc tế và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương tham dự.
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khẳng định: Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định rõ, một trong những nhiệm vụ chủ yếu phát triển đất nước trong 5 năm 2011-2015 là ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế từ chiều rộng phát triển hợp lý sang chiều sâu.
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2011-2013, mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta đã có chuyển biến rõ rệt, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện, lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta đã, đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Do đó, cần có thêm những cơ sở, luận cứ thực tiễn nhằm tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số vấn đề lớn, chiến lược về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận, đề xuất những giải pháp lớn nhằm đẩy mạnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.
Trong đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoạch định chiến lược, nhằm tạo động lực, nguồn lực trong trung và dài hạn, từ đó, kiến nghị kịp thời lên Trung ương điều chỉnh phương thức chỉ đạo, điều hành nền kinh tế đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn.
Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ KH&ĐT, để thực hiện thành công Đề án tái cơ cầu nền kinh tế, chúng ta phải làm rõ lĩnh vực, ngành then chốt, tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ, công nghệ thông tin, du lịch.
Đặc biệt cần quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tạo nguồn lực tài chính cần thiết cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo đúng yêu cầu.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt