Triển vọng đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức vào Việt Nam: cơ hội của tỉnh Vĩnh Phúc
Ngày 19/11/2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel đã ký tuyên bố chung giữa Bộ kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức về Chương trình hợp tác đào tạo doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 trong khuôn khổ chương trình Đối thoại Kinh tế Việt – Đức. Một biên bản ghi nhớ dự án hợp tác giữa Đại học Giao thông – Vận tải và Công ty Công nghệ giao thông IVU (Đức) cũng đã được ký kết.
Đây là dự báo cho quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư Việt – Đức sẽ phát triển mạnh mẽ với nhiều triển vọng đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức vào Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội cho tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Việt Nam và Đức đã có mối quan hệ lâu đời, tốt đẹp. Những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt hơn, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam vào mùa Thu năm 2011 của Thủ tướng Angela Merkel, hai bên đã ra Tuyên bố chung Hà Nội về việc nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược. Sang năm tới (2015), hai nước sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta thúc đẩy quan hệ song phương”. Việt Nam đánh giá cao sự phát triển của nền kinh tế Đức – nền kinh tế lớn nhất trong khối EU, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao – lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Hiện Đức đang là đối tác thương mại hàng đầu trong khu vực châu Âu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt khoảng 8 tỷ USD. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Đức, như Siemens, Bosch, Allianz, Bayer… đã và đang tăng cường đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam
và Đức vẫn chưa xứng với tiềm năng. Thống kê cho thấy, đến hết tháng 10/2014, Đức có 239 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,34 tỷ USD, chỉ đứng thứ 22/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cho biết, Đức coi Việt Nam là đối tác quan trọng và hiện là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu tại ASEAN nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chính trị ổn định và nỗ lực trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực chế tạo máy, vận tải… quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Nếu Việt Nam có hệ thống luật pháp, thủ tục hành chính minh bạch, cơ sở hạ tầng thuận lợi và chất lượng nguồn nhân lực tốt… thì Việt Nam không chỉ thu hút các tập đoàn lớn mà còn đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức vào đầu tư lâu dài. Ông Sigmar Gabriel kỳ vọng rằng việc Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do FTA và tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP trong thời gian tới sẽ tạo được những tiến bộ mới trong việc thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Cũng tại buổi đối thoại, đại diện cho các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, ông Ramon Kuebler, Giám đốc điều hành Công ty B. Braun Việt Nam cũng chia sẻ thêm, Công ty B. Braun đã đầu tư tại Việt Nam 20 năm và đang chuẩn bị xây dựng thêm nhà máy để nâng doanh thu lên 270-300 triệu USD trong vòng 7-9 năm tới. Không chỉ B. Braun, mà nhiều doanh nghiệp Đức khác, như DHL, Bosch, Siemens… đều đang mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Một đại diện khác, ông Martin Brudermueller, Phó Chủ tịch Ban Điều hành Tập đoàn BASF cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường tại châu Á – Thái Bình Dương có nhiều cơ hội để đầu tư và phát triển bền vững.
Ông tin tưởng hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại giữa hai quốc gia sẽ phát triển mạnh hơn nữa thời gian tới. Theo các nhà đầu tư Đức, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, nhưng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đầu tư của mình, quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Trong phiên thảo luận chuyên đề với chủ đề “Phát triển công nghiệp tại Việt Nam – Nguồn cung lao động tay nghề cao và các thách thức khác”, Bộ trưởng Sigmar Gabriel cho biết, các doanh nghiệp tại Đức đều phải tự đào tạo nhân lực cho mình, Nhà nước chỉ xây dựng chính sách đào tạo nghề. Đa phần người lao động được đào tạo nghề trong 04 tuần là đã có thể làm việc tại các doanh nghiệp Đức. Đối với Việt Nam, phía Đức sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong đào tạo các cán bộ cấp cao, cũng như đào tạo nghề cho người lao động. Các doanh nghiệp Đức đánh giá cao lao động Việt Nam cần cù, cầu tiến, không có biểu hiện tiêu cực nhưng lại hạn chế về trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao. Để đáp ứng được nhu cầu công việc, các doanh nghiệp Đức thường xuyên mời các chuyên gia từ Đức và Malaysia sang Việt Nam đào tạo, chuyển giao kiến thức hoặc đưa lao động Việt Nam học tập ngắn hạn, tu nghiệp tại nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, Chủ trì phiên thảo luận, đánh giá cao sự nỗ lực và chủ động của các doanh nghiệp trong việc tự đào tạo nghề cho lao động Việt Nam. Hiện, Việt Nam cũng đang phát triển đào tạo nghề theo hướng: Chính phủ chỉ xây dựng chính sách, chiến lược đào tạo nghề chung và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động.
Kết thúc buổi đối thoại, các doanh nghiệp Việt Nam và Đức trong 6 nhóm ngành, bao gồm năng lượng, môi trường và y tế; công nghiệp dệt may và hóa chất; điện tử và công nghệ thông tin – truyền thông; ngân hàng – tài chính và tư vấn đầu tư; xây dựng, vận tải và hậu cần; và công nghiệp sản xuất đã gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh. Đứng trước triển vọng về một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Đức, thiết nghĩ tỉnh Vĩnh Phúc cần tranh thủ nắm bắt cơ hội, đón đầu làn sóng, cụ thể: quyết liệt hơn trong việc cải cách, minh bạch thủ tục hành chính về đầu tư, phát triển đào tạo nghề cho người lao động và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tự đào tạo nghề … nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh bối cảnh các tỉnh, thành đều nỗ lực trong “cuộc đua” thu hút đầu tư./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt