Công nghiệp phụ trợ cần giải pháp ‘nhiều trong một’
Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Công thương những câu hỏi khó của đại biểu Quốc hội chất vấn về phát triển công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh kiến nghị một giải pháp “nhiều trong một” để phát triển ngành công nghiệp này.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, công nghiệp phụ trợ là vấn đề rất lớn của đất nước. Kinh nghiệm cho thấy, các nước thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều và có nền kinh tế phát triển đều có nền công nghiệp phụ trợ phát triển.
“Nói như vậy để thấy vai trò rất quan trọng của công nghiệp phụ trợ. Có công nghiệp phụ trợ thì ta mới hấp thụ được công nghệ cũng như hấp thu được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tạo ra giá trị gia tăng trong nội địa. Còn nếu ta không làm được điều này thì dù có thu hút nước ngoài nhiều, chúng ta cũng chỉ là làm gia công lắp ráp cho nước ngoài thôi”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Theo quan điểm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp phụ trợ chính là phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp tư nhân được phát triển một cách mạnh mẽ ở Việt Nam thì nó không chỉ tạo ra động lực lớn cho đất nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm, mà nó còn tạo ra một chuỗi giá trị gia tăng quan trọng để phục vụ cho những sản phẩm công nghiệp chính. Tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng này để chúng ta không phải chỉ đi nhập nguyên liệu về lắp ráp, gia công và nó sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho đất nước.
Trước đó, tham gia phiên chất vấn của Quốc hội, các đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum), đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề công nghiệp phụ trợ, tại sao Việt Nam sau nhiều năm phát triển công nghiệp phụ trợ đến nay vẫn không thể đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của các nhà sản xuất, các tập đoàn nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam về công nghiệp phụ trợ.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo, đoàn Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi: “Năm 2007, Bộ Công nghiệp có quyết định 34, trong đó xác định vai trò quan trọng của công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phá, phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng sau nhiều năm, công nghiệp hỗ trợ đến nay chưa có gì đáng kể. Tôi xin hỏi Bộ trưởng có phải Việt Nam thiếu chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ phát triển? Nếu đúng vậy, trách nhiệm của các bộ ngành và trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào?”.
Trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ có nhiều vấn đề. Tuy đã có chế độ chính sách nhưng chưa đầy đủ và cấp độ pháp lý còn hạn chế nên chưa tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển.
“Công nghiệp hỗ trợ liên quan đến sản xuất phụ tùng đòi hỏi nguyên vật liệu, nhất là vật liệu mới là thép, chất dẻo mà chúng hầu như chưa có nên phải nhập; nhập nên khó cạnh tranh với nhà sản xuất nước ngoài. Còn nguyên nhân nữa là con người, công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi nhân lực cao mà chúng ta đang thiếu đội ngũ này, mặc dù chúng ta đã rất cố gắng. Trong thời gian tới, trong chuương trình chúng tôi báo cáo Chính phủ, Quốc hội có nội dung liên quan đến biện pháp đào tạo công nghiệp hỗ trợ”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, đoàn Bình Dương về tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp chế tạo trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, nhưng riêng từng lĩnh vực thì có kết quả khác nhau. Về tỷ lệ nội địa hóa ôtô chở khách 80 chỗ đã được khoảng 40%; xe tải nông dụng chuyên dùng nội địa hóa được 70%, riêng đối với ôtô con, tỷ lệ nội địa thấp chỉ khoảng 10%; xe máy được trên 90% cả động cơ; điện tử gia dụng khoảng 30%.
Về vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Giải pháp đầu tiên là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển công nghiệp phụ trợ, bên cạnh đó đề xuất Quốc hội thông qua luật về về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã trình chính phủ một số giải pháp khác gồm: có quỹ tăng cường hỗ trợ ban đầu cho DN khởi nghiệp tham gia công nghiệp phụ trợ gồm hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ vay để mua công nghệ, mở rộng sản xuất; kiến nghị thành lập trung tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp hỗ trợ gồm các phòng thí nghiệm, kiểm định, thiết kế tạo khuôn mẫu phi lợi nhuận; đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp hỗ trợ trong tiếp cận thị trường, đào tạo công nhân, cán bộ; đối với các dự án ODA, có thể dành tỷ lệ nhất định cho doanh nghiệp hỗ trợ.
Cũng trong phiên chất vấn – trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay, 18/11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp thời gian vừa qua.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ trương của đảng, nhà nước là ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Tình trạng này diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình này ở nước ta trầm trọng hơn, diễn biến trên phạm vi rộng hơn. Muốn chống buôn lậu tốt phải dựa vào dân, hệ thống chính trị. Nâng cao ý thức của người dân, thượng tôn pháp luật, không tiêu thụ không tiếp tay, không bao che hàng lậu.
Củng cố đội ngũ chống buôn lậu, trang thiết bị, nâng cao nghiệp vụ, phẩm chất cho lực lượng này. “Thực tế vừa rồi tại ga Lào Cai, do được quán triệt tốt, ngành đường sắt đã từ chối vận chuyển hàng trăm tấn hàng lậu từ Lào Cai về xuôi, sau đó, lực lượng chức năng đã bắt được vụ buôn lậu lớn này”, Phó thủ tướng dẫn chứng.
Tham gia trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giá xăng dầu, trước ngày 1/1/2014 thực hiện theo nghị định 84/2007NĐ – CP của chính phủ. Trong 10 tháng vừa qua, chúng ta đã tăng giảm 25 lần. Hiện tại, giá giảm hơn 1.000 đồng lít so với đầu năm 2014. Điều hành giá theo tính hiệu thị trường. Hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu thực hiện theo Nghị định 83/2014/NĐ – CP của chính phủ, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương khá nhuần nhuyễn. Việc điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu thậm chí đã rút xuống dưới 15 ngày (theo quy định là 15 ngày). Về giá sữa, sau khi siết chặt việc quản lý giá, đã có những mặt hàng giảm đến 34%.
Bài học được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ ra không mới, là việc quản lý giá các mặt hàng thiết yếu chỉ có thể thực hiện được nếu có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương với chính quyền các địa phương…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt