Thứ Tư, 19/11/2014 8:41:47 (GMT+7)

Giải pháp nào khơi thông vốn tín dụng cho doanh nghiệp?

Trong lúc nhiều ngân hàng đang thừa vốn tín dụng, thì nhiều DNVVN vẫn chưa tiếp cận được vốn tín dụng với lãi suất thấp, vì thế, cần tìm giải pháp để tăng cường lòng tin tín dụng để các ngân hàng và DNVVN có thể lại gần được nhau nhiều hơn.

Giải pháp nào khơi thông vốn tín dụng cho doanh nghiệp?

Hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong bối cảnh Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015”. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là nội dung được trao đổi tại hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong bối cảnh Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015” tổ chức ngày 18/11.

Tăng trưởng tín dụng DNVVN chỉ bằng 1/3 mức chung

Ông K.Balasingam, Tổng Giám đốc Viện Nhân lực ngân hàng tài chính BTCI cho biết: Hiện chỉ có 30% các DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có, hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao.

Còn ông Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Quản trị DNVVN cho biết, tính đến nửa đầu năm 2014, tỷ trọng dư nợ của DNVVN chiếm 25%, tương đương với 896,8 ngàn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhóm DN này chỉ khoảng 2%. Trong khi, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sau 9 tháng đầu năm đạt 7-8%. Đáng chú ý, tỷ lệ giữa tổng tài sản đảm bảo trên tổng dư nợ tăng đáng kể, phản ánh mức độ tín nhiệm chung của các ngân hàng đối với các DNVVN thấp.

Về những nguyên nhân khiến DNVVN khó tiếp cận được vốn tín dụng, ông Long cho rằng, các chính sách tín dụng của các ngân hàng quá bó hẹp. Các ngân hàng thường có xu hướng co cụm, hướng tới các khách hàng truyền thống, hoặc khách hàng lớn, mạnh; nhiều ngân hàng “làm ngơ” với các DN khởi nghiệp.

Việc thúc đẩy tín dụng cho DN còn nhiều khó khăn do nhiều tài sản thế chấp (có khoảng 60-70% là bất động sản) được định giá thấp, lại khó thanh khoản.

Cũng theo Viện trưởng Viện Quản trị DNVVN, vẫn có xu hướng “hình sự hóa” hoạt động tín dụng do hệ thống pháp lý về ngân hàng chưa thật sự vận hành theo kinh tế thị trường; các quy định vẫn còn lỗ hổng, dù có nhiều văn bản dưới luật được ban hành.

Doanh nghiệp cần có cơ chế đồng bộ hơn

Dưới góc nhìn người làm ngân hàng, ông Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc khối khách hàng DN, phụ trách miền Bắc của Techcombank cho biết, thực tế, có nhiều DN khởi sự là những DN rất nhỏ, khi được tiếp cận và sử dụng vốn hiệu quả của Techcombank đã trở thành những DN lớn. Tuy nhiên, những DN như thế không phải là phổ biến.

Theo ông Kiên, một trong những vấn đề khiến lãi suất khó giảm mạnh là sự thiếu cân đối cơ cấu nguồn vốn. Nhiều ngân hàng phải huy động nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, trong khi đó DNVVN lại hay bị xếp vào diện phải chịu lãi cao hơn.

Để giải quyết vấn đề, Techcombank đã hợp tác với các quỹ khác nhau để có nguồn vốn trung và dài hạn, giúp các ngân hàng cung cấp vốn trong 7-10 năm, để từ đó đáp ứng nguồn vốn cho các DN.

Cũng theo ông Kiên, các ngân hàng không chỉ mong muốn cho vay, mà còn quan tâm đến hợp tác tổng thể, gồm các dịch vụ khác như trả lương, chuyển tiền… Do đó, nếu DN có quan hệ sử dụng nhiều dịch vụ với ngân hàng sẽ được “tin tưởng” hơn, việc tiếp cận vốn cũng dễ dàng hơn.

Đại diện ngân hàng cũng cho rằng, một rào cản mà DNVVN hay gặp phải chính là tính minh bạch và cập nhập báo cáo tài tài chính rất chậm, trong khi với ngân hàng đây lại là yêu cầu rất quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều DN đến vay chỉ đưa ra hợp đồng, thiếu giải thích về tính khả thi, trong khi với ngân hàng phương án kinh doanh của DN là quan trọng nhất, luồng tiền luân chuyển thế nào phải tính toán cặn kẽ.

Về các chính sách hỗ trợ khắc phục nhược điểm của DNVVN, TS Phạm Ngọc Long cho biết: Bộ Tài chính đưa ra thông tư hướng dẫn cụ thể Quy chế bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho DNNVV vay vốn tại NHTM ngày 6/6/2014 mới đây đã mở ra một cơ hội vay vốn ưu đãi đối với các DNNVV. Tuy nhiên, chiếu theo các quy định, điều kiện để nhận được nguồn vốn này lại khá chặt chẽ và gần như chỉ bảo lãnh cho DN có tiềm lực tài chính mạnh.

Thực tế hơn 1 năm nay, mới có trên dưới 10 địa phương thành lập quỹ bảo lãnh, nhưng kết nối không hiệu quả giữa DNVVN và các ngân hàng do đó cần có những hướng dẫn cụ thể sát với thực tế hơn.

Ngoài ra, bên cạnh các chính sách chung, các ngân hàng cần có chính sách và triển khai quyết liệt có trọng điểm.

Ví dụ như việc lãnh đạo ngân hàng đã có các hoạt động xúc tiến, để đẩy mạnh vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn tại khu vực như ĐBSCL, hay các loại hình tín dụng tập trung vào một số ngành hàng hiệu quả.

Theo Huy Thắng - Báo điện tử Chính phủ