FDI vào Việt Nam: Hàn Quốc vững ngôi đầu
Hàn Quốc đang giữ vững ngôi đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng qua, với 3,6 tỷ USD, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm.
Cách đây đúng nửa tháng, Samsung C&T, một công ty con của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc phát triển Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh) với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương).
Sẽ còn một khoảng thời gian dài từ lúc ký MOU đến khi xây dựng và triển khai Dự án trong thực tế, tuy nhiên sự kiện này đã đánh dấu một bước đi chiến lược của Tập đoàn Samsung nói riêng, các nhà đầu tư Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam nói chung.
Năm ngoái, sau hàng loạt dự án đầu tư thành công của Samsung Điện tử tại thị trường Việt Nam, đến lượt Samsung C&T quyết định nhảy vào thị trường đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá như một điểm đến hàng đầu. Và Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3, quy mô 1.200 MW, chỉ là bước đi đầu tiên trong đại kế hoạch đầu tư của Samsung C&T tại Việt Nam.
Cũng năm ngoái, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, cả hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh việc hợp tác và hỗ trợ để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia các dự án hạ tầng năng lượng, như Dự án Kho dự trữ dầu Dung Quất, Dự án Xây dựng nhà máy nhiệt điện tại khu vực phía Nam Việt Nam. Hai bên cũng bày tỏ hoan nghênh việc ký kết MOU thúc đẩy việc thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO).
Như vậy, sau khi KEPCO liên doanh với Marubeni (Nhật Bản) để đầu tư xây dựng Nhiệt điện Nghi Sơn 2, công suất 1.200 MW, đến lượt Samsung nhảy vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Và không chỉ là hai nhà đầu tư này, thông tin mới đây, đến lượt Tập đoàn Lotte, thông qua Công ty TNHH Xây dựng và Kỹ thuật Lotte Việt Nam, cũng đã bày tỏ mối quan tâm tới Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 (Nghệ An). Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 nằm trong tổng thể Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập (KCN Hoàng Mai – Đông Hồi), quy mô 2.400 MW, bao gồm hai tổ máy.
Trong khi đó, cũng chính KEPCO, hồi tháng 8 vừa qua, đã tới Hậu Giang để tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Dự án Nhiệt điện sông Hậu 3, công suất 2.000 MW.
Nếu các dự án này trở thành hiện thực, thì chỉ trong lĩnh vực năng lượng, đã có hàng tỷ USD được các nhà đầu tư Hàn Quốc đổ vào Việt Nam. Chưa kể, hàng loạt kế hoạch đầu tư khác mà gần đây, các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đã úp mở nhắc tới.
Chẳng hạn, Tập đoàn LG cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với mong muốn xây dựng một tổ hợp công nghệ cao tại Việt Nam, tương tự những gì họ đã làm tại Hàn Quốc. Hiện chỉ riêng dự án của LG ở Hải Phòng đã có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Samsung trở nên rõ ràng hơn, với khoảng 8,2 tỷ USD cho các nhà máy sản xuất điện thoại di động, đồ điện tử, linh kiện ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM. Đầu tháng 10/2014, sau khi Samsung Điện tử nhận tiếp giấy chứng nhận đầu tư 1,4 tỷ USD ở TP.HCM, thì trên tờ Bloomberg, thông tin cho biết, Samsung Heavy Industries có kế hoạch đầu tư 950 triệu USD cho các nhà máy đóng tàu tại Việt Nam.
Nhỏ hơn là mới đây, Công ty TNHH Dong Yeon Industrial đã đề xuất lên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kế hoạch đầu tư Dự án Tổ hợp Dong Yeon tại Khu công nghiệp Điềm Thụy. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 180 ha, chuyên sản xuất các linh kiện điện, điện tử, với vốn đầu tư 267 triệu USD. Khoản vốn này sẽ được đầu tư cho ba nhà máy, bao gồm Nhà máy Sản xuất nút nguồn, nút âm lượng và khe thẻ nhớ; Nhà máy Sản xuất màn hình cảm biến; và Nhà máy Sản xuất bản mạch tích hợp cho điện thoại
Chưa tính các dự án nhỏ, chỉ với các “đại kế hoạch” này, có thể kỳ vọng một sự đổ bộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam, tiếp sau làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, đang dần tăng tốc trong những năm gần đây, nhất là sau khi Samsung dồn dập dốc vốn vào Việt Nam. Quy mô của làn sóng này có thể lên tới cả chục tỷ USD.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2014, Hàn Quốc đang đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với 3,6 tỷ USD bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm. Hàn Quốc, với nhiều dự án quy mô lớn, Hàn Quốc đã soán ngôi của Nhật Bản ngay từ những tháng đầu năm nay để trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, nếu tính lũy kế, Hàn Quốc vẫn đang phải xếp hàng thứ hai, sau Nhật Bản. Nhật Bản hiện có 36,5 tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam, trong khi Hàn Quốc chỉ có gần 33,5 tỷ USD.
Song nếu tính cả khoản đầu tư 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh, 2 tỷ USD ở Thái Nguyên và 1,4 tỷ USD mới đây ở TP.HCM của Samsung (cả ba dự án này, Samsung đều đầu tư qua công ty con ở Singapore, nên trên thực tế, khoản đầu tư này được “tính công” cho nhà đầu tư Singapore – PV), thì tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc đã vượt cả Nhật Bản.
Và dù thế nào, thì Hàn Quốc vẫn xứng danh là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt