Nền kinh tế như người mới qua cơn sốt
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội năm và ngân sách nhà nước 2014, nhiệm vụ năm 2015 vào sáng nay (ngày 21/10), Đại biểu Nguyễn Anh Sơn ví von, nền kinh tế hiện tại như người vừa qua đợt sốt, chỉ mới “nhúc nhắc” đứng dậy chứ chưa đi lại bình thường được.
“Để nền kinh tế trở lại tốc độ tăng trưởng bình thường cần phải tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, phải đặt ra nhiệm vụ cụ thể. Nên lấy năm 2015 là năm “Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” bằng nhiều giải pháp khác nhau”, ông Sơn đề xuất.
Cùng quan điểm này, Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị với Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Cứ 6 tháng 1 lần, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tập hợp toàn bộ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nào đó và kiến nghị Quốc hội thông qua một luật sửa nhiều luật tại một kỳ họp. Có như vậy mới gỡ bỏ kịp thời toàn bộ vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực nào đó. Bởi nếu để xây dựng một luật chỉ để sửa một luật nào đó sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, không hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời”.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc bày tỏ sự vui mừng khi tại Kỳ họp thứ 8 lần này, Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính là thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Vì các nội dung trong Dự thảo luật này đã cơ bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Chính phủ mới ban hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2014). Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 7 thông tư nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp. Nếu Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế sẽ tạo ra cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn như người mới ốm dậy mà còn là động lực để phát triển mạnh mẽ như sự phục hồi sức khỏe của người vừa vượt qua được trận ốm nặng”, ông Lộc ví von.
Ông Lộc tha thiết đề nghị bà Nguyễn Thị Kim Ngân với tư cách là Phó chủ tịch Quốc hội phụ trách các vấn đề liên quan đến kinh tế sẽ kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua các luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tương tự.
Theo Đại biểu Nguyễn Anh Sơn, một trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất là phải hỗ trợ thị trường, khuyến khích tiêu dùng. “Hàng hóa sản xuất ra mà không tiêu thụ được thì không ai dám đầu tư, vì vậy phải khuyến khích tiêu dùng, thậm chí có thể nghĩ đến “liều thuốc cao” là chấp nhận lạm phát ở mức độ nào đó để khuyến khích người dân chi tiêu”, ông Sơn đề xuất.
Đại biểu Trần Xuân Hòa (cựu Chủ tịch HĐTV Vinacomin) rất chia sẻ với quan điểm phải có các giải pháp kích cầu qua đó hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp mới kích thích được hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ông Hòa cũng chưa biết bắt đầu kích cầu vào khâu nào của thị trường.
“Sáng tôi xem tivi thấy bà con mình bán cà chua tại ruộng 800-1.000 đồng/kg, tôi hỏi bà xã mua bao nhiêu một cân cà chua thì được biết ở Hà Nội có giá là 18.000 đồng. Ví dụ nhỏ này cho thấy toàn bộ lợi nhuận đều rơi vào khâu trung gian, người sản xuất có lợi nhuận rất thấp, thậm chí càng sản xuất càng lỗ; người tiêu dùng phải trả giá quá cao để mua sản phẩm. Vậy thì kích cầu vào khâu nào?”, ông Hòa băn khoăn.
“Ngoài sức cầu thấp thì thiếu vốn là vấn đề cốt tử đối với rất nhiều doanh nghiệp. Ở Nam Định, hiện có trên 70% dư nợ cho vay có lãi suất trên 9%/năm, thậm chí có rất nhiều doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất 11-12%/năm. Với lãi suất cao thế này thì ít có ai dám vay vốn để đầu tư. Vấn đề là ngân hàng có chấp nhận vì cả nền kinh tế mà giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản vay có lãi suất cao, trước mắt kinh doanh chỉ cần bù đắp chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp không”, ông Anh Sơn đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Quang Chiểu bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này.
Trao đổi với Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn, ông Chiểu cho biết, ngoài chất vấn dư nợ tín dụng ngân hàng đang tập trung vào lĩnh vực nào, có thực sự đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hay không, ông sẽ chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình về lãi suất. Theo ông Chiểu, lãi suất hiện nay mặc dù đã trở về mặt bằng của năm 2006 nhưng vẫn chưa hợp lý và vẫn còn quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
“Lạm phát năm 2012 là 6,6%, còn năm nay dự kiến vào khoảng 5% mà lãi suất cho vay năm nay bằng với năm 2006 là chưa hợp lý”, ông Chiểu lập luận với quan điểm có thể xem xét tiếp tục giảm lãi suất.
Trong 9 tháng đầu năm, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cả nước có hơn 51.000 doanh nghiệp giải thể, khoảng 18.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 213.000 doanh nghiệp không phát sinh nghĩa vụ thuế (hoạt động sản xuất, kinh doanh từ hòa… đến lỗ). Số liệu này khiến Đai biểu Đỗ Văn Vẻ lo ngại.
“Không kể doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động và tạm ngừng hoạt động, trong số doanh nghiệp đang động có tới 68% đang ngắc ngoải vì không có lãi. Những số liệu này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh mặc dù có đôi chút khởi sắc nhưng vẫn còn hết sức khó khăn. Khó khăn thể hiện rõ nét nhất là sức mua của thị trường quá yếu khiến hàng tồn kho cao, doanh nghiệp làm ăn được không dám vay vốn để đầu tư, doanh nghiệp muốn vay vốn đầu tư thì không vay được vốn”, ông Vẻ nhấn mạnh.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt