Khai thông “đại lộ” kinh tế Việt Nam-EU
Các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại châu Âu tuần qua không chỉ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện với các đối tác quan trọng mà còn đẩy nhanh tiến độ khai thông “đại lộ” kinh tế giữa Việt Nam với Cựu lục địa.
Trong tuần qua, sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso thống nhất sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam–EU (EVFTA) được coi như cơn gió mát lành, một nỗ lực đẩy nhanh tiến độ khai thông “đại lộ” kinh tế kết nối Việt Nam với Cựu lục địa.
Dẫn nguồn từ Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, Vietnamnet.vn cho biết, việc ký kết EVFTA không chỉ mang lại cơ hội rộng mở để DN châu Âu tiến vào thị trường Việt Nam và ASEAN mà còn giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30-40%; GDP của Việt Nam tăng lên 10-15%… Việc hoàn tất EVFTA còn giúp Việt Nam với tư cách một nền kinh tế thị trường hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.
Chính vì lợi ích thiết thực mà EVFTA có thể mang lại cho cả hai phía, cho nên kết quả cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso chiều 13/10 được dư luận trong nước, quốc tế đặc biệt chờ đợi.
Ngay sau buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo tươi cười bước vào phòng họp báo. “Ngài Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso và tôi đã có cuộc hội đàm rất thành công”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với báo chí.
Theo đó, EU và Việt Nam mong muốn xây dựng Hiệp định Thương mại tự do này thành một hiệp định hiện đại, toàn diện, cân bằng để giúp nền kinh tế của cả hai bên giải quyết các thách thức hiện nay và tương lai. Đồng thời, hai bên nhất trí tăng cường hoàn tất đàm phán để có thể ký EVFTA trong một vài tháng tới với mục tiêu đạt một Hiệp định có tầm vóc, trong đó tính tới sự chênh lệch trình độ phát triển và dành cho Việt Nam sự đối xử linh hoạt.
Kết quả hội đàm giữa Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu còn được lãnh đạo nhiều nước và giới DN châu Âu quan tâm.
Hoan nghênh Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu về định hướng kết thúc đàm phán EVFTA, tại cuộc hội đàm sáng 15/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu, thúc đẩy việc EU sớm kết thúc đàm phán, ký kết EVFTA và công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường cùng thời điểm hoàn tất đàm phán.
Đồng thời, Việt Nam – Đức cũng thống nhất tạo điều kiện để các doanh nghiệp và nhà đầu tư của mỗi nước hoạt động và kinh doanh thuận lợi tại thị trường của nhau nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 16/10, Thủ tướng Italy Matteo Renzi khẳng định Italy tiếp tục ủng hộ việc Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác hợp tác; ủng hộ Việt Nam sớm được EU công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cùng thời điểm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.
Hai Thủ tướng nhất trí các cơ quan hữu quan hai nước cần cùng nhau nỗ lực đưa hợp tác kinh tế thành một trụ cột chính trong quan hệ Đối tác chiến lược. Đồng thời trao đổi, thống nhất các biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng DN hai nước tăng cường tiếp xúc, kết nối để đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015.
Trước đó, trong cuộc đối thoại với đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Bỉ và Việt Nam Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Hiệp định EVFTA mà lãnh đạo hai bên quyết tâm ký kết trong thời gian sớm nhất sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo ASEM và các doanh nghiệp hàng đầu Á-Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam-EU đang trong giai đoạn hoàn tất, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 56 đối tác, trong đó có 47 nước thành viên ASEM. Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam nâng tầm đóng góp vào liên kết Á – Âu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp hai châu lục đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam…
Nhận định về sự kiện này, Báo Công Thương cho rằng, những hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tại châu Âu từ ngày 13-18/10 với các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các đối tác châu Âu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Còn Vietnamnet.vn cho rằng: Ký EVFTA Việt Nam sẽ “lãi lớn”. Dẫn lời ông Bùi Vương Anh – Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Công Thương, bài báo cho biết: Nếu ký kết EVFTA diễn ra trước khi Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN khác kết thúc đàm phán FTA với EU sẽ giúp Việt Nam đạt được điều kiện thuận lợi ngắn và trung hạn trong quá trình tiếp cận thị trường EU.
Việt Nam sẽ có cơ hội để trở thành một tuyến đường thương mại quan trọng, cũng như điểm kết nối giữa các hoạt động kinh tế sản xuất ở Đông Nam Á với các nhà đầu tư EU, đồng thời có vị thế nổi bật trong các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa EU và ASEAN.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt