Thứ Sáu, 17/10/2014 8:23:38 (GMT+7)

Các DN Việt Nam cần “sáng tạo mở”

Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần phải tăng cường đổi mới, sáng tạo để có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn, mang tính sáng tạo cao hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn.

Các DN Việt Nam cần “sáng tạo mở”

GS Wim Vanhaverbeke trao đổi về “Chiến lược sáng tạo mở của DN”. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đó là những chia sẻ của GS.TS Wim Vanhaverbeke – đến từ trường đào tạo quản trị hàng đầu Châu Âu ESADE, một trong 50 diễn giả hàng đầu thế giới về quản trị sáng tạo – tại Hội thảo “Mô hình quản trị sáng tạo thành công trên thế giới – Bài học cho lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức ngày 16/10 tại TPHCM.

Theo GS Wim Vanhaverbeke, trước những năm 90, “sáng tạo đóng” được coi là thiên đường của các DN quy mô lớn ở phương Tây. Gần đây, các DN đang chuyển dần sang chiến lược “sáng tạo mở”. Với những DN vừa và nhỏ, không có vốn mạo hiểm để hiện thực những ý tưởng hay, cần áp dụng mô hình “sáng tạo mở” để có được sự hỗ trợ cần thiết cho việc biến ý tưởng thành sản phẩm trên thị trường.

“Sáng tạo mở” là DN chỉ đảm nhiệm một phần của quá trình sáng tạo, phần còn lại được thực hiện bởi các đối tác bên ngoài. Việc hợp tác có thể được thực hiện ở giai đoạn nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ hoặc trong giai đoạn thương mại hóa sản phẩm. “Sáng tạo mở” có sự phối hợp của các nguồn lực bên trong và bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm ra thị trường.

Đánh giá về các DN Việt Nam, GS Wim Vanhaverbeke cho biết, ở Việt Nam, các DN vẫn quen kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí thấp. Nhưng trong 5 năm gần đây, chi phí nhân công của Việt Nam đã tăng lên. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam càng cần phải tăng cường đổi mới, sáng tạo để có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn, mang tính sáng tạo cao hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn.

“Các DN cần chuyển đổi nhanh hơn nữa chiến lược từ kinh doanh truyền thống dựa trên chi phí thấp sang kinh doanh mới dựa trên sự sáng tạo, nhằm tận dụng tốt hơn những lợi thế về kinh tế mà Việt Nam vẫn đang giữ được”, Giáo sư Wim Vanhaverbeke  nói.

GS Wim Vanhaverbeke cho rằng, việc áp dụng chiến lược “sáng tạo mở” không hề dễ dàng. Trước hết, nội bộ công ty cần tổ chức tốt để đội ngũ nhân viên, quản lý có thể phối hợp một cách hiệu quả với các đối tác bên ngoài. Nếu tiến hành “sáng tạo mở” trên cơ sở một mạng lưới các đối tác, cần phải biết cách tổ chức và quản lý mạng lưới đó cho hiệu quả. Việc này rất khác so với việc quản lý DN thông thường, bởi sẽ không có sự kiểm soát, quản lý mang tính thứ bậc quyền lực.

Chiến lược sáng tạo mở cần phải được lồng vào và thống nhất với chiến lược tổng thể của DN. Người lãnh đạo cần phải biết DN muốn gì từ nguồn lực bên ngoài và cả từ nguồn lực bên trong. Bên cạnh đó, cũng cần có sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao để thay đổi cơ cấu tổ chức trong công ty. Nếu không có được sự cam kết của lãnh đạo cấp cao thì chiến lược sáng tạo mở sẽ rất khó thành công.

Theo Lê Anh - Báo điện tử Chính phủ