Thứ Năm, 16/10/2014 8:18:54 (GMT+7)

Doanh nghiệp Nhật Bản: Kích thích dòng đầu tư mới

Việt Nam đang nằm trong danh sách điểm đến ưu tiên của doanh nghiệp Nhật Bản và họ mong muốn môi trường đầu tư của Việt Nam nhanh chóng được cải thiện, nhằm kích thích dòng đầu tư của các doanh nghiệp mới.

Doanh nghiệp Nhật Bản: Kích thích dòng đầu tư mới

Các doanh nghiệp tại Diễn đàn cho rằng Việt Nam đang ở thời điểm thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản

Hầu hết các doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Nhật Bản tại Việt Nam lần thứ nhất, do Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA) tổ chức ngày 14/10 vừa qua tại Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ thị trường Nhật Bản, khi quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở thời điểm phát triển mạnh mẽ nhất.

Với chủ đề “Bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, tương lai của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam”, Diễn đàn đã thu hút sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam và một số lượng không nhỏ doanh nghiệp đang có ý định đầu tư tại Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đã lên tới 1.000 doanh nghiệp. Nếu trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chỉ tập trung ở một số ngành, nghề sản xuất, trên phạm vi hẹp, thì xu hướng đầu tư của họ giờ đã đa dạng hóa sang các ngành nghề như công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, nhà ở, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ…

Tháng 9 vừa qua, một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản là Transcosmos (công ty cung cấp dịch vụ Outsourcing IT tổng hợp và hỗ trợ khách hàng giảm thiểu chi phí, nâng cao năng suất, doanh thu của các lĩnh vực như thương mại điện tử trọn gói và truyền thông tiếp thị số – digital marketing) đã khai trương Văn phòng tại Hà Nội.

Theo ông Komura Yohei, Tổng giám đốc Transcosmos Việt Nam, với nền tảng quan hệ bền vững cả về ngoại giao lẫn kinh tế giữa hai quốc gia, Việt Nam được coi là một thị trường chiến lược đầy tiềm năng và có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang xúc tiến thương mại, hợp tác với các doanh nghiệp tại Việt Nam.

“Đây là cơ hội lớn để Transcosmos Việt Nam thâm nhập thị trường, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ của doanh nghiệp, dịch vụ hỗ trợ khách hàng và các dịch vụ Outsourcing cho các khách hàng, mà trọng tâm là các doanh nghiệp Nhật Bản. Transcosmos Việt Nam kỳ vọng đạt mốc doanh thu 2 tỷ yên vào năm 2018”, ông Komura Yohei nhấn mạnh.

70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm 2014-2015

70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm 2014-2015

Chia sẻ kinh nghiệm, thách thức khi đầu tư vào Việt Nam cho các DNNVV Nhật Bản, ông Noburu Kondo, Giám đốc Công ty Brain Work đã có thâm niên 16 năm bám trụ thị trường Việt Nam cho rằng, dù chính sách đầu tư chung của Chính phủ đã khá cởi mở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, nhưng các doanh nghiệp mới cũng nên tìm hiểu kỹ hơn về địa phương có ý định dừng chân.

Ông Noburu Kondo cho rằng, cơ chế chính sách chưa ổn định, quá trình thực thi mỗi địa phương mỗi khác, thiếu tính nhất quán, thủ tục và thời gian thực thi pháp luật thuế kéo dài… là những vấn đề khiến cả doanh nghiệp thâm niên hoạt động tại Việt Nam lẫn doanh nghiệp đang có ý định đầu tư đều lo ngại.

Đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản đến từ tỉnh Ibaraki cho biết, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có ý định đầu tư nghiêm túc vào Việt Nam, nhưng sau quá trình tìm hiểu và làm việc với một số địa phương, họ cảm thấy ngần ngại ra quyết định, khi cùng một chính sách, việc triển khai thực thi còn chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Thêm vào đó, hạn chế về cung cấp nguồn nhân lực, nguyên phụ liệu, đặc biệt là trong lĩnh vực linh kiện điện tử, thiết bị công nghiệp… khiến các doanh nghiệp sản xuất chế biến của Nhật Bản chật vật trong việc tìm nguồn cung ứng đối với cả những chi tiết nhỏ như băng dính, ốc vít… và phần lớn đều phải giải quyết bằng con đường nhập khẩu.

Theo VJBA, mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản là các địa phương cần cải cách mạnh hơn nữa để thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực như công nghệ thông tin, hạ tầng, nhà xưởng, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính, giảm thuế…, tạo động lực để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh..

Thông tin từ VJBA cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm 2014-2015. Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng đầu năm 2014, Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 trong số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,43 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Hồng Kông.

Theo Thế Hải - Báo Đầu tư