Nền kinh tế tiếp tục phục hồi
Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015.
Phiên họp ngày 9/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, tình hình kinh tế – xã hội trong 9 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,62% (Báo cáo đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 5,54%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (5,14%). Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2013 tăng 6,8%). Sản xuất nông nghiệp tăng 3%, mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua (2013: 2,39%; 2012: 2,5%). Khu vực dịch vụ phát triển khá.
Xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 và tiếp tục có xuất siêu. Lạm phát được kiểm soát. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định.
Thu ngân sách nhà nước đạt cao so với cùng kỳ những năm gần đây. Giải ngân vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được đẩy mạnh. Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, bảo vệ tài nguyên – môi trường được chú trọng. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thông tin, tuyên truyền, văn hóa, thể dục – thể thao… được triển khai thực hiện tốt, đạt nhiều kết quả tích cực.
Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Cải cách thủ tục hành chính được tập trung đẩy mạnh. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, trong quá trình phục hồi nền kinh tế, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao. Việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. Dịch bệnh ở người tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.
“Công tác tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm”, Bộ trưởng quan ngại.
Dù vậy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2014, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là tỷ lệ lao động qua đào tạo; 13 chỉ tiêu còn lại dự báo đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, các chỉ tiêu cơ bản đều có khả năng vượt, như GDP (trên 5,8%), tổng kim ngạch xuất khẩu (vượt hơn 2% so với kế hoạch)…
Căn cứ các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015, tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và dự báo triển vọng phát triển phát triển của kinh tế thế giới và trong nước, Báo cáo dự kiến mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 như sau: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, thảo luận về Báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cơ cấu kinh tế chưa thật tốt, năng suất chất lượng còn thấp, sức cạnh tranh còn yếu. “Lạm phát chưa yên tâm được đâu, bơm tiền ra lên ngay, trong khi nợ công vẫn là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực”, Chủ tịch nhận xét.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt