Thứ Hai, 15/09/2014 8:10:57 (GMT+7)

Không thay đổi tư duy bằng kêu gọi, phải luật hóa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính theo nguyên tắc quản lý để phát triển, tạo thuận lợi cho người dân làm ăn, kinh doanh, chứ không phải để gây khó khăn. Thủ tướng cũng nêu rõ, sẽ không thay đổi tư duy bằng kêu gọi, mà phải thể hiện trong hệ thống pháp luật, các quy định tại các văn bản luật, nghị định, thông tư.

Không thay đổi tư duy bằng kêu gọi, phải luật hóa

Thủ tướng yêu cầu: các bộ, ngành phải rà soát, cái gì gây khó khăn thì bỏ, cái gì cần giữ, cần theo nguyên tắc khó thì cơ quan nhà nước phải làm, quy trình, thủ tục công khai, minh bạch

“Có thể cắt giảm được nữa không?”

Đây là câu hỏi đầu tiên và cũng là yêu cầu xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cải cách thủ tục hành chính trong thành lập, giải thể và thực hiện hoạt động đầu tư vào thứ Tư (10/9).

Quy trình gia nhập thị trường của Việt Nam hiện nay, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) gồm 10 bước và 34 ngày, đang xếp thứ 109/189 quốc gia, nền kinh tế.

Phải nói rõ, trong quy trình này, liên quan đến Luật Doanh nghiệp có 2 bước, gồm đăng ký kinh doanh và đăng công bố thông tin. Các bước tiếp theo liên quan đến con dấu (2 bước), mở tài khoản ngân hàng, nộp thuế môn bài, mua hóa đơn giá trị gia tăng, đăng ký lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội và đăng ký thành lập công đoàn.

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy trình mới sẽ chỉ còn 5 – 7 bước, với tổng thời gian thực hiện là 16 – 17 ngày.

“Nếu thực hiện được liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh với thủ tục đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, khắc dấu, thời gian và số thủ tục khởi sự doanh nghiệp sẽ giảm còn một nửa. Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam sẽ tăng được khoảng 50 bậc, đứng ở vị trí 60/189 quốc gia theo xếp hạng của WB”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo Thủ tướng.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ chưa hài lòng với quy trình này. “Tại sao đăng ký thành lập công đoàn phải mất một ngày trong khi chỉ cần đăng ký trên mạng. Đây là hoạt động ta đang vận động doanh nghiệp thực hiện, đáng ra công đoàn địa phương phải hỗ trợ. Có chữ ký số rồi, thì cần con dấu nữa không cũng phải bàn. Nếu cần, thì có cần tới Bộ Công an khắc dấu không, hay để doanh nghiệp tự làm rồi đăng ký…”, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp đặt câu hỏi với các bộ, ngành liên quan.

Một thực tế rất rõ là, mặc dù Việt Nam đang cải thiện khá nhanh về thủ tục hành chính, song tốc độ vẫn chưa bằng với các nước trong khu vực.

Trên bảng xếp hạng của WB về môi trường kinh doanh, thủ tục gia nhập thị trường của Việt Nam đang nhiều hơn 1 bước so với trung bình của các nước ASEAN + Trung Quốc và Đông Timor; nhiều hơn 3 bước so với các nước Đông Á – Thái Bình Dương. So với các nước OECD, nhiều hơn 5 bước. Còn so với Malaysia và Singapore, quy trình của Việt Nam đang nhiều hơn 3 lần về số thủ tục.

“Nếu giảm còn 5 bước theo quy trình mới, Việt Nam có thể ngang bằng với các nước OECD về quy trình gia nhập thị trường. Ta có thể làm tốt hơn được không”, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phân tích quy trình mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất trong quá trình hoàn thiện Luật Doanh nghiệp.

Nếu không thay đổi, sẽ xử lý

Với những người trực tiếp nghiên cứu về thủ tục hành chính như ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc cắt giảm thêm các bước thủ tục hành chính trong quy trình khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Đơn cử, thủ tục mở tài khoản tại ngân hàng có thể kết hợp ngay trong thủ tục đăng ký kinh doanh với sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp muốn mở tài khoản, tương tự như quy định về thủ tục nộp thuế môn bài.

Ngay cả thủ tục về con dấu, đang bị doanh nghiệp kêu là rất phiền hà, có thể xử lý được tính phức tạp nếu coi đây là tài sản của doanh nghiệp.

“Trên thế giới cũng chỉ có 69 nước sử dụng con dấu, trong số này nhiều nước không coi đó là tài sản quốc gia như Việt Nam. Nếu coi là tài sản doanh nghiệp, thì pháp luật sẽ không cần chạy theo để quản lý, không cần phải quy định một mẫu dấu. Trong trường hợp phương án tối ưu là bỏ con dấu chưa được chấp thuận, thì việc thay đổi tư duy về con dấu sẽ giảm nhiều thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Cung phân tích.

Đặc biệt, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị sử dụng một mã số cho các hoạt động quản lý của các cơ quan liên quan như bảo hiểm, tài nguyên – môi trường, công thương… “Chỉ cần một mã số doanh nghiệp, thì việc quản lý doanh nghiệp và phối hợp quản lý các hoạt động doanh nghiệp của các cơ quan sẽ rất thuận lợi, cắt giảm được nhiều chi phí, thủ tục”, ông Tuấn nói.

Song ông Cung và nhiều đại diện các bộ, ngành cũng bày tỏ sự lo ngại, nếu không có sự thay đổi tư duy và sự phối hợp của các bộ, ngành, khả năng cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của WB như yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ không dễ dàng.

Điều này cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo dứt điểm. “Sẽ không thay đổi tư duy bằng kêu gọi, mà phải thể hiện trong hệ thống pháp luật, các quy định tại các văn bản luật, nghị định, thông tư. Các bộ, ngành phải rà soát, cái gì gây khó khăn thì bỏ, cái gì cần giữ, thì phải theo nguyên tắc khó thì cơ quan nhà nước phải làm, quy trình, thủ tục công khai, minh bạch rõ”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Đặc biệt, với những cán bộ không tuân thủ quy định sẽ phải điều chuyển, thậm chí chấm dứt hợp đồng. “Tất cả phải với tinh thần phục vụ”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh khi nhắc tới tốc độ cải thiện nhanh hơn của các quốc gia lân cận.

“Không có ai chờ mình cả. Trong hội nhập, quốc gia nào cải thiện môi trường nhanh hơn, thuận lợi hơn, cạnh tranh minh bạch với chi phí rẻ hơn, thì sẽ cạnh tranh thành công”, Thủ tướng kết luận.

Theo Khánh An - Báo Đầu tư