Vì sao công nghiệp hỗ trợ mãi vẫn không lớn
Đánh giá về tình hình thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tại các khu công nghiệp phía Nam 7 tháng đầu năm nay, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM nhận định, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… từ đầu năm đến nay khá khả quan. Song mức độ phát triển công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất hạn chế.
Trong lĩnh vực điện – điện tử, nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ được cấp phép mới, hoặc đầu tư mở rộng, như dự án sản xuất các phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy, máy may và các linh kiện cho ngành công nghiệp khác tại Đồng Nai của Công ty TNHH Pegasus – Shimamoto Auto Parts Việt Nam (Nhật Bản) với tổng mức đầu tư 20 triệu USD; Dự án sản xuất chi tiết máy, linh kiện phụ tùng, gia công cơ khí các bộ phận máy phục vụ ngành mạ tôn, sắt thép… cũng tại Đồng Nai của Công ty TNHH Osaka Fuji Việt Nam (Nhật Bản) với vốn đầu tư 3 triệu USD; Dự án sản xuất linh phụ kiện kim loại, cơ khí chính xác phục vụ doanh nghiệp xe hơi, điện, điện tử, y tế, in ấn… tại TP.HCM của Công ty TNHH Nikken Việt Nam (Nhật Bản) tăng vốn 700.000 USD…
Lĩnh vực dệt may cũng có những dự án đáng chú ý. Đơn cử, Dự án của Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (Hàn Quốc) tại Bình Dương tiếp tục tăng vốn đầu tư hơn 54 triệu USD để tăng năng lực sản xuất sợi cotton chất lượng cao, phục vụ nhu cầu cho các công ty dệt may tại Việt Nam.
Trước đó, công ty này đã đầu tư giai đoạn I 40 triệu USD xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Bàu Bàng với máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sợi cotton kỹ thuật cao với quy mô 25.920 cọc sợi.
Đầu tư là vậy, nhưng trên thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tỷ lệ nội địa của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo thống kê từ JETRO, tỷ lệ cung ứng nội địa cho doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam năm 2013 là 32,2 % (năm 2012 là 27,9%). Tỷ lệ này có tăng, nhưng so với một số nước khác, còn khá hạn chế (tỷ lệ tương ứng tại Thái Lan năm 2013 là 52,7%; Indonesia là 40,8%…).
Theo ông Hirotaka Yasuzumi, có đến 60% chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Nhật tại châu Á là chi phí nguyên vật liệu, linh kiện. Để nâng cao sức cạnh tranh, theo ông Hirotaka Yasuzumi, doanh nghiệp Nhật cần cắt giảm chi phí này bằng cách thu mua các bộ phận, linh kiện với giá rẻ từ doanh nghiệp bản địa, thay vì phải nhập khẩu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Sherry Borge, Tổng giám đốc Intel Việt Nam cho biết, trong số 94 nhà cung cấp nội địa hiện nay, có 20 nhà cung cấp sản phẩm trực tiếp. Tuy nhiên, những nguyên liệu mà Intel Việt Nam nhận từ nhà cung cấp nội địa có giá trị rất thấp, mới chỉ dừng ở các loại hàng hóa dùng trong đóng gói, đồ cơ khí, hóa chất; hàng hóa tiêu dùng trong vận hành nhà máy, dùng cho vận hàng, bảo trì, dịch vụ…
“Trong chiến lược phát triển, vai trò của các nhà cung cấp nội địa sẽ ở vị trí cao hơn, nhưng Intel Việt Nam không chỉ mong muốn tăng số nhà cung cấp, mà các nhà cung cấp nội địa cũng phải bảo đảm các tiêu chí phù hợp với chiến lược phát triển của công ty”, bà Sherry Borge cho biết.
Nguyên nhân quan trọng khiến ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển là chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Trước hết là chính sách về vốn vay. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, vốn vay hiện ở mức 8 -15%/năm là quá cao. Nhưng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thường là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có mức đánh giá tín nhiệm tín dụng thấp, thì tình trạng vay vốn càng khó và dòng vốn hầu như không đến được doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc đào tạo nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Do chưa có đủ nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cả về chất và lượng, nên trình độ kỹ thuật của doanh nghiệp không được nâng cao, khó thực hiện chuyển giao kỹ thuật. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI ít có cơ hội gặp gỡ doanh nghiệp nội địa ưu tú cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thị trường trong nước đối với công nghiệp hỗ trợ còn nhỏ hẹp, một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa phù hợp… cũng là những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp đặc thù này.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt