Doanh nghiệp, doanh nhân cần thêm động lực phát triển
Sau gần 30 năm đổi mới, DN, doanh nhân bước đầu đã làm quen hơn với cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập… Tuy nhiên, họ vẫn cần được tạo thêm động lực để phát triển.
Vào năm 1986, DN trong nước chủ yếu là xí nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã và các hộ sản xuất kinh doanh cá thể; chưa có DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, cũng chưa có DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Số xí nghiệp quốc doanh lên đến hàng chục nghìn, với 3 cấp quản lý. Mọi thứ từ đầu vào (lao động, vốn đầu tư, vốn lưu động, nguyên, nhiên vật liệu…), đến đầu ra (sản xuất cái gì, bao nhiêu, tiêu thụ ở đâu, giá cả ra sao…), đến kết quả sản xuất kinh doanh (lãi, lỗ…) của các xí nghiệp đều do Nhà nước lo. Tình hình đó đã dẫn đến nghịch lý là “không phải DN nuôi Nhà nước, mà Nhà nước nuôi DN”.
Các hợp tác xã, gọi là kinh tế tập thể – dựa trên nguyên tắc tự nguyện – nhưng phương án ăn chia phải do Nhà nước duyệt; vật tư chủ yếu do Nhà nước phân phối, sản phẩm do Nhà nước thu mua, xã viên ăn theo định lượng…
Khi chuyển sang cơ chế thị trường, vị thế và sự biến động của các DN có sự thay đổi quan trọng: Có đăng ký kinh doanh, có phá sản giải thể, ngừng hoạt động, lời ăn lỗ chịu; ra sân chơi chung, không thể chấm trước cho “người thắng, kẻ thua” theo kiểu chủ quản và không chủ quản, con nuôi, con đẻ…
Số DN Nhà nước nếu năm 2001 chiếm 14,7% thì nay chỉ còn 0,9%; số DN ngoài Nhà nước tăng từ 81,3% lên 96,5%.
Về số lao động, nếu năm 2001, DN Nhà nước chiếm 62,3% tổng số, thì năm 2013 chỉ còn chiếm 14,5%; DN ngoài Nhà nước tăng từ 25,6% lên 61% (trong đó công ty TNHH 31%, công ty cổ phần 25%, DN tư nhân 4,9%; DN FDI chiếm 24,5%).
Về vốn hoạt động, nếu năm 2001, DN Nhà nước chiếm tới 67,7%, thì năm 2013 chỉ còn chiếm 32,3%; DN ngoài Nhà nước tăng từ 9,1% lên 50,8%; DN FDI mặc dù tăng khá, nhưng thấp hơn DN ngoài Nhà nước và tổng số, nên tỷ trọng giảm từ 23,2% xuống còn 16,9%.
Về giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, do tỷ trọng trong tổng số của DN ngoài Nhà nước tăng từ 7,3% lên 38,8%, nên của DN Nhà nước giảm từ 56,4% xuống còn 41%, DN FDI giảm từ 36,3% xuống còn 19,3%.
Về doanh thu thuần, do tỷ trọng trong tổng số của DN ngoài Nhà nước tăng mạnh (từ 24,2% lên 51,9%) và của DN FDI cũng tăng lên (từ 20,2% lên 21,8%), nên tỷ trọng doanh thu thuần của DN Nhà nước giảm khá mạnh (từ 55,6% xuống còn 26,3%).
Sự chuyển dịch này là kết quả của công cuộc đổi mới, của cơ chế thị trường đã có tác động khai thác các nguồn lực của các thành phần kinh tế, của xã hội. Với sự xuất hiện của các thành phần kinh tế, thực hiện cơ chế thị trường, nên thời kỳ 1991-2005 là thời kỳ phát triển “đáng mơ ước”. Tốc độ tăng GDP thời kỳ này đạt 7,17%/năm. CPI tháng 12/2005 so với tháng 12/1992 chỉ tăng 5,72%/năm. Giá vàng tháng 12/2001 so với tháng 12/1990 tăng 3,3%/năm. Giá USD tháng 12/2007 so với tháng 12/1990 tăng 0,54%/năm!
DN, doanh nhân bước đầu đã làm quen hơn với cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập, làm quen với thị trường chứng khoán, với hạch toán, minh bạch công khai, thị trường thế giới…
Tuy nhiên, để tạo thêm động lực đối với sự phát triển của DN, doanh nhân, cơ quan quản lý Nhà nước cần thúc đẩy việc đăng ký kinh doanh mới trên cơ sở tạo sự an tâm cho những người có vốn đầu tư trực tiếp cho việc mở DN, đưa vốn về nông thôn; các cơ quan Nhà nước cắt giảm mạnh hơn các thủ tục hành chính; tăng dư nợ tín dụng hỗ trợ để hạn chế số DN bị phá sản, ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, để tăng quy mô các DN ở trong nước cần huy động thêm vốn, tăng tỷ lệ lợi nhuận để tái đầu tư; thực hiện sự liên kết ở trong nước để tránh bị thôn tính… Song quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả hoạt động hiện còn thấp, trong đó có tỷ suất lợi nhuận tính chung các DN mới đạt 3,13%
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành do tiến độ thực hiện còn chậm; nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý DN Nhà nước, tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản để tập trung cho việc nghiên cứu chính sách và kiểm tra để bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt