Hội thảo Dự báo tác động của Luật doanh nghiệp sửa đổi: Nhìn từ góc độ Chỉ số kinh doanh toàn cầu 2013
Luật Doanh nghiệp 2005 đã có những tác động tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Song, đánh giá từ thực tiễn hoạt động hơn 8 năm qua cho thấy Luật Doanh nghiệp 2005 đã bộc lộ những khiếm khuyết, hạn chế việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh cũng như phát triển doanh nghiệp. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2005 là rất cần thiết. Để giúp doanh nghiệp hiểu rõ những điểm mới và đánh giá những tác động dự kiến của dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đến việc cải thiện môi trường kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp. Ngày 29/7/2014, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng với Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức hội thảo: “Dự báo tác động của Luật doanh nghiệp sửa đổi: Nhìn từ góc độ Chỉ số kinh doanh toàn cầu 2013”. Tỉnh Vĩnh Phúc có đại diện 4 phòng chuyên môn của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh tham dự.
Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, đơn cử như quy định về công ty hợp danh, trong dự thảo luật quy định “ngoài các thành viên hợp danh, công ty hợp danh còn có thể có thêm thành viên góp vốn” và “thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty”. Ngoài ra, dự thảo còn quy định “công ty hợp danh có tư cách pháp nhân”.
Dưới con mắt của một luật gia và là một luật sư đã tham gia tư vấn cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Tiền khẳng định rằng, việc quy định có thành viên góp vốn trong công ty hợp danh là không khả thi trong thực tế. Thậm chí quy định này còn tạo ra một loại hình doanh nghiệp “lưỡng cực”, không phù hợp với quy định về pháp nhân theo Điều 84 Bộ luật Dân sự.
TS Lương Minh Huân, Viện phát triển doanh nghiệp của VCCI cũng cho rằng cần chú trọng công tác hậu kiểm. Tuy nhiên, TS Huân lại nhấn mạnh, hậu kiểm không chỉ để kiểm soát các doanh nghiệp mà còn giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Vì theo tỷ lệ doanh nghiệp biến mất giảm dần từng năm kể từ khi doanh nghiệp khởi sự, tham gia thị trường cho thấy, doanh nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu kinh doanh. Do vậy, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần chú trọng để công tác hậu kiểm được tiến hành thực chất. Việc kiểm tra nhằm hậu kiểm không xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nội dung, trình tự, thủ tục về hậu kiểm sẽ do Chính phủ qui định. Cùng với đó, cần xã hội hóa giám sát hoạt động của doanh nghiệp góp phần minh bạch hóa thông tin, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Tham gia hội thảo, một số đại diện doanh nghiệp đã bày tỏ những khó khăn khi tiến hành hoạt động kinh doanh và mong chờ những điều chỉnh của pháp luật. Ông Mai Huy Tân, Tổng giám đốc, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt bày tỏ, hiện nay một cái xúc xích của ông mà có tới 7 bộ quản lý và một công ty của ông mặc dù đã làm đủ thủ tục nhưng mãi vẫn chưa được rút khỏi thị trường. Theo ông, đây là việc làm khó khăn cho nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư giảm nhiệt huyết mà dự thảo luật cần nghiên cứu thấu đáo để đưa ra những quy định hợp lý, giải quyết được tình trạng này.
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tham dự hội thảo nhằm mục đích nắm bắt những tác động của Luật Doanh nghiệp sửa đổi đối với doanh nghiệp, từ đó cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời và hiệu quả cho nhà đầu tư. Ngoài ra Ban XT&HTĐT còn là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, phản ánh kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đề xuất Ban chỉ đạo, UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan giải quyết, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư thông qua các hoạt động “xúc tiến đầu tư tại chỗ”./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt