Bức tranh FDI những tháng đầu năm 2014: Điểm sáng xuất khẩu và giải ngân
Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố tình hình hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 7 tháng đầu năm 2014. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu và giải ngân là điểm sáng nhất trong bức tranh FDI từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2014, hoạt động xuất – nhập khẩu của khu vực FDI tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 55,83 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ và chiếm 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhập khẩu đạt 46,04 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ và chiếm 56% tổng kim ngạch nhập khẩu; tính chung 7 tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 9,79 tỷ USD. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2013. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI ngày càng đi vào thực chất hơn.
Cũng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 7 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 889 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,85 tỷ USD và 300 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,67 tỷ USD. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, Việt Nam đã thu hút được 9,53 tỷ USD vốn FDI, bằng 80,1% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 7/2014, Việt Nam thu hút được 2,68 tỷ USD vốn FDI.
Mặc dù kết quả thu hút FDI 7 tháng đầu năm vẫn thấp hơn so với cùng kỳ gần 20%, nhưng riêng tháng 7 Việt Nam thu hút được 2,68 tỷ USD cho thấy tình hình thu hút FDI có dấu hiệu tích cực vào những tháng cuối năm. Nếu tốc độ này được duy trì vào những tháng tiếp theo thì khả năng thu hút khoảng 20 tỷ USD trong năm 2014 được Cục Đầu tư nước ngoài đặt ra là hoàn toàn có thể.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất trong 7 tháng đầu năm với 6,66 tỷ USD được đăng ký, chiếm 69,9% tổng vốn FDI đăng ký; lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 1,13 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với 547,58 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư.
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút được 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với 3,13 tỷ USD, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 32,8% tổng vốn; Hồng Kông đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,15 tỷ USD, chiếm 12,1%; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,11 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Trong 45 tỉnh, thành phố là “điểm đến” của FDI 7 tháng, dẫn đầu là tỉnh Bắc Ninh với 1,33 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư; TP.Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn 1,07 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư; Bình Dương đứng thứ 3 với 1,05 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 11% tổng vốn đầu tư.
12 sản phẩm “bổ sung vi chất” chính thức được xác nhận là sữa
12 sản phẩm này trước đó chưa thống nhất được tên gọi, nay mới được Bộ Y tế xác nhận bằng văn bản thuộc danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo hướng dẫn tại Thông tư 30/2013/TT-BYT. Đặc biệt trong số đó, có cả 6 sản phẩm dinh dưỡng và bổ sung vi chất dòng Optimum của Vinamilk.
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, đầu tháng này đã gửi công văn đề nghị Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế xác nhận thông tin về 30 sản phẩm dinh dưỡng và bổ sung vi chất chưa thống nhất được tên gọi. Đồng thời, đề nghị đơn vị này rà soát bổ sung danh mục mặt hàng sữa; sớm trình Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết đối với danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Mục đích của việc phối hợp này nhằm phân định rõ sản phẩm thuộc danh mục sữa và những sản phẩm khác không được gọi là sữa mà có tên gọi như bổ sung vi chất, hay thức ăn công thức… “Đây là điều cần phân định rõ để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chỉ khi sản phẩm được gọi là sữa thì cơ quan chức năng mới có thể thực hiện bình ổn giá”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết.
Hiện tại, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản trả lời, xác nhận 12/30 sản phẩm thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 30/2013/TT-BYT (TT30). Trong đó, 6 dòng sản phẩm dinh dưỡng công thức và thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng Optimum (loại 400g và 900g) của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), đang được khá nhiều bà mẹ có con nhỏ ưa chuộng, cũng được Cục An toàn thực phẩm xác nhận sản phẩm này là sữa thuộc danh mục bình ổn giá.
Cụ thể các sản phẩm mới được gọi đúng tên gồm: Optimum step 1 và Dielac Optimum cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi; Dielac Optimum step 2 (cả loại thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng công thức) cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi; Dielac Optimum step 3 và step 4 cho trẻ từ 1 – 3 tuổi và 4 – 6 tuổi.
Trước đó, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã phản ánh đến cơ quan quản lý giá các sản phẩm này không thuộc danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi phải áp giá trần. Tuy nhiên, sau khi có văn bản trả lời của cơ quan an toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định đây là các sản phẩm sữa, Cục Quản lý giá cho biết tuần trước đã gửi công văn thông báo để Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh biết và tiếp tục thực hiện theo quy định.
Ngoài 6 sản phẩm của Vinamilk, 4 sản phẩm của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Kim Yến, đơn vị chuyên nhập khẩu độc quyền nguyên hộp từ Pháp các sản phẩm thương hiệu Modilac dành cho trẻ dưới 4 tuổi, cũng được Cục An toàn thực phẩm công nhận thuộc danh mục sữa bình ổn giá.
Danh mục 4 sản phẩm này, gồm: Modilac Expert Doucea 1 và 2 loại 800g dành cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi và 6 – 12 tháng tuổi; Modilac Doucea 1 và 2 loại 900g dành cho trẻ em từ 0 – 6 tháng tuổi và 6 – 12 tháng tuổi.
2/12 sản phẩm còn lại được nhập khẩu bởi Công ty CP Traphaco, và Công ty CP Đầu tư Nam Dương phân phối cũng được định danh là sữa, gồm sản phẩm dinh dưỡng Imperial Kid XO vanilla dành cho trẻ từ 1 – 9 tuổi; sản phẩm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng I am Mother Kid dành cho trẻ từ 1 – 15 tuổi.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt